Từ ngày 1/1/2025, báo tin vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông có thể được thưởng đến 5 triệu đồng. Đây là thông tin có trong Nghị định 176 quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Từ mạng xã hội cho đến các tờ báo, nhiều ý kiến được đưa ra để bày tỏ quan điểm về nghị định này.
Theo khoản 3 Điều 7 của Nghị định 176 nêu rằng: “Mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông của một vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5 triệu đồng/1 vụ, việc.
Về đầu mối tiếp nhận, Thông tư 73/2024 của Bộ Công an có nêu nội dung này. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể cung cấp thông tin, hình ảnh về vi phạm thông qua cài đặt, sử dụng VNeTraffic do Bộ Công an phát triển.
Đây là một mũi tên trúng nhiều đích. Thứ nhất, nó khuyến khích mỗi chúng ta tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kịp thời phát hiện báo tin về hành vi vi phạm giao thông để cơ quan chức năng có căn cứ, kịp thời xử lý.
Thứ hai, quy định mới này như một sự cộng hưởng với Nghị định 168 cũng có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Mức xử phạt cao mà lại còn rất dễ bị ai đó quay lại hình ảnh vi phạm gửi cơ quan chức năng thì liệu bao nhiêu người còn dám phạm luật?
Vì vậy, ý nghĩa sâu sắc hơn của quy định này chính là góp phần vào mục tiêu lớn là kéo giảm tai nạn giao thông và nâng cao ý thức của chính mỗi người dân khi tham gia giao thông. Từ ngày Nghị định 168 có hiệu lực, ý thức của người dân đã được cải thiện rõ rệt. Khắp các con đường ở Hà Nội, hình ảnh mọi người dừng đèn đỏ ngăn nắp, trật tự thật sự rất ấn tượng.
Tuy nhiên, chuyện không đơn giản chỉ là vậy. Trong mấy ngày qua, đã xuất hiện thông tin giả về việc chi trả tiền thưởng cho người gửi hình ảnh, thông tin vi phạm giao thông đến cơ quan chức năng. Nhiều hình ảnh người dân ghi hình tại các nút giao giao thông cũng xuất hiện trên mạng xã hội khiến ở trên các diễn đàn, dân mạng gọi vui là “nghề mới”.
Trước đó, Cục Cảnh sát giao thông cho hay hiện chưa có cơ chế cụ thể để chi cho người cung cấp thông tin và tiêu chí xét chi trả cho từng nội dung, việc này sẽ được các cơ quan liên quan sớm quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thực thi. Vì vậy mà có lẽ, chúng ta đừng nên xem đây là công việc mới và ảo tưởng quá sớm.
Trong các khung giờ Hà Nội Cao điểm của Đài Hà Nội, trung bình có 4 – 5 trường hợp thính giả báo về hình ảnh vi phạm như đi xe máy lên cầu Thăng Long, đi vào làn khẩn cấp trên Vành đai 3 trên cao. Thậm chí có hôm, có cả một em bé di chuyển bằng một ván trượt trên Vành đai 2. Chưa kể, thông tin va chạm, tai nạn hay lỗi ở các nút đèn tín hiệu cũng liên tục được chính các tài xế gửi về chương trình. Hầu hết mọi người cập nhật thông tin về chương trình với tinh thần hoàn toàn tự nguyện.
Thực ra từ trước đến nay, cơ quan chức năng một số địa phương đã có các hình thức khuyến khích người dân phản ánh các hành vi vi phạm giao thông. Từ đầu năm 2023, Công an thành phố Hà Nội công khai đề nghị người dân chủ động cung cấp qua tài khoản Zalo của Phòng Cảnh sát giao thông và số điện thoại đường dây nóng.
Tất nhiên, việc làm này được cơ quan chức năng cam kết bảo mật danh tính người cung cấp thông tin và thực hiện các biện pháp bảo vệ theo quy định pháp luật. Cùng với đó, những hành vi cung cấp thông tin sai sự thật sẽ bị xử lý nghiêm minh. Cũng xin nhấn mạnh lại, việc làm này trên tinh thần tự nguyện, không có việc trả tiền cho người cung cấp.
Giờ thì khi Nghị định 176 có hiệu lực thì cũng đồng nghĩa, rất có thể chúng ta có thêm “phần thưởng” xứng đáng cho tinh thần tự nguyện của mình.
Ở góc độ pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, khi văn bản này có hiệu lực pháp luật không ít người sẽ sử dụng thiết bị ghi hình “mai phục” ở các ngã tư đường, nhiều người đã tải phần mềm ứng dụng để cung cấp thông tin. Tuy nhiên, “thợ săn đường phố” đi soi lỗi vi phạm giao thông cần lưu ý các quy định pháp luật liên quan.
“Việc quay clip để tìm kiếm hành vi vi phạm giao thông một cách có chủ đích, hoạt động thường xuyên và mong muốn trở thành nguồn thu nhập chính có thể sẽ xảy ra những vấn đề mâu thuẫn, xung đột trong xã hội. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội hoặc tìm kiếm cơ hội có thu nhập cá nhân cũng phải đảm bảo tôn trọng quyền riêng tư cá nhân, quyền tự do hình ảnh của công dân nơi công cộng”, luật sư Cường nhấn mạnh.
Theo luật sư, quá trình ghi hình tìm kiếm người vi phạm giao thông có thể sẽ có những tình huống tiếp nhận được thông tin có tính chất sơ hở, hữu hình, không đẹp của người tham gia giao thông, thậm chí có thể có những thông tin liên quan đến bí mật đời tư cá nhân. Bởi vậy nếu tùy tiện thu thập thông tin cá nhân gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân thì đây lại là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể phát sinh những mâu thuẫn giữa người ghi hình và những người tham gia giao thông. Bởi vậy lực lượng chức năng cũng cần khuyến cáo, cảnh báo nếu xuất hiện nhiều người biến quy định mới này thành một hoạt động thường xuyên hoặc trở thành nghề nghiệp kiếm sống.
Ngoài ra, cũng có thể xuất hiện những hình ảnh thông tin giả mạo, dàn dựng để nhận thưởng gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm. Đối với những hành vi này nếu phát hiện có chủ ý gây khó cho lực lượng chức năng hoặc lợi dụng quy định mới của pháp luật để trục lợi thì cần phải xử lý nghiêm.
Những hành vi cung cấp thông tin giả mạo cho lực lượng chức năng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ công vụ thì còn có thể bị xử lý hình sự.
“Bởi vậy, các bạn trẻ không nên kỳ vọng về việc ra đường ghi hình, cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng là có thể kiếm tiền một cách dễ dàng và đừng hy vọng biến đây trở thành nghề kiếm sống dễ dàng”, luật sư Cường khuyến cáo.
Việc ghi hình vi phạm của người khác để tố cáo vi phạm không đơn giản và dễ dàng để có thể biến thành một nghề nghiệp mang lại thu nhập chính như cư dân mạng đang nghĩ. Thực chất, quá trình thực hiện hoạt động này có thể gây ra những mâu thuẫn về việc sử dụng thông tin hình ảnh cá nhân, thậm chí người vi phạm giao thông có thể hành hung, trả thù người ghi hình.
Chính vì thế, các cơ quan chức năng cũng cần có những khuyến cáo, kiểm soát tình hình này, đồng thời có những cơ chế để đảm bảo bảo vệ người tố cáo, tránh những mâu thuẫn, xung đột xã hội có thể xảy ra từ hoạt động này.
Quá trình áp dụng nghị định này cũng cần tổng kết rút kinh nghiệm để có sự kiểm soát trong quá trình áp dụng, từ đó có thể quyết định tiếp tục duy trì, thay đổi phương thức hoặc chấm dứt quy định này tùy thuộc vào hiệu quả và đánh giá hoạt động này từ nhiều mặt trong quá trình áp dụng nghị định tới đây.