Kinh doanh dịch vụ xe công nghệ bằng phương tiện ô tô là gì?

Theo khoản 6 Điều 3 

Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi như sau:

Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

6. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách theo lịch trình và hành trình do hành khách yêu cầu; có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử.

Theo đó, kinh doanh dịch vụ xe công nghệ bằng phương tiện ô tô là một cách kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi có áp dụng công nghệ

Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xe công nghệ không tính giá tiền dịch vụ thông qua đồng hồ trên xe như taxi truyền thống nữa mà sẽ có giá cước tính sẵn trên ứng dụng của dịch vụ

Điều kiện kinh doanh xe công nghệ bằng phương tiện ô tô là gì?

Điều kiện kinh doanh xe công nghệ bằng phương tiện ô tô là gì? (Hình từ Internet)

Điều kiện về phương tiện kinh doanh xe công nghệ bằng ô tô là gì?

Theo Điều 13 Nghị định 10/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Nghị định 47/2022/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô như sau:

Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô

1. Điều kiện đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách

a) Phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã;

d) Xe taxi phải có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất).

3. Không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Không sử dụng xe ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

Theo Điều 38 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Thông tư 02/2021/TT-BGTVT quy định về quy định đối với xe taxi như sau:

Quy định đối với xe taxi

1. Xe taxi phải đáp ứng các quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 6 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

2. Phải được niêm yết thông tin như sau:

a) Hai bên cánh cửa xe: tên, số điện thoại và biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã với kích thước tối thiểu: chiều dài là 20 cm, chiều rộng là 20 cm; bảng giá cước đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Trong xe: bảng giá cước tính tiền theo kilômét (km), giá cước tính tiền cho thời gian xe phải chờ đợi theo yêu cầu của hành khách và các chi phí khác (nếu có) mà hành khách phải trả; bảng giá cước đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Trường hợp xe taxi sử dụng phần mềm tính tiền còn phải hiển thị trên giao diện dành cho hành khách bảng giá cước đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư này.

Theo đó, để kinh doanh dịch vụ xe công nghệ cần lưu ý một số điều kiện về phương tiện kinh doanh sau:

– Trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến;

– Tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số;

– Phần mềm tính tiền phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

– Phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp

– Xe phải có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất)

– Không sử dụng xe ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

– Hai bên cánh cửa xe: tên, số điện thoại và logo của doanh nghiệp

– Niêm yết công khai các loại giá cước dịch vụ

Điều kiện về doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xe công nghệ là gì?

Theo Điều 6 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi như sau:

Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi

3. Xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (sau đây gọi là phần mềm tính tiền)

4. Kết thúc chuyến đi, doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng phần mềm tính tiền phải gửi (qua phần mềm) hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách, đồng thời gửi về cơ quan Thuế các thông tin của hóa đơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

5. Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải thông báo đến Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh phương thức tính tiền sử dụng trên xe taxi của đơn vị trước khi thực hiện kinh doanh vận tải.

Theo Điều 40 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về quyền hạn và trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi như sau:

Quyền hạn và trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi

1. Xây dựng và thực hiện đúng, đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn giao thông theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Thông tư này; có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

2. Thực hiện các quy định tại Điều 14, Điều 15 và Điều 16 của Thông tư này.

3. Xây dựng quy định đồng phục và thẻ tên cho người lái xe, thẻ nhận dạng người lái xe; thẻ tên phải có ảnh, ghi rõ họ tên, đơn vị quản lý, thẻ tên có thể kết hợp với thẻ nhận dạng người lái xe.

4. Được sử dụng thiết bị điện tử để niêm yết thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 38 của Thông tư này.

5. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và quy định pháp luật khác có liên quan.

Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xe công nghệ cần đáp ứng các điều kiện sau

– Điều kiện để thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020

– Kết thúc chuyến đi, doanh nghiệp sử dụng phần mềm tính tiền phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách, đồng thời gửi về cơ quan Thuế các thông tin của hóa đơn

– Doanh nghiệp phải thông báo đến Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh phương thức tính tiền sử dụng trên xe trước khi bắt đầu hoạt động kinh doanh

– Giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc logo của doanh nghiệp và phải cung cấp cho hành khách trước khi thực hiện vận chuyển các nội dung tối thiểu

– Quy định chi tiết về quy trình bảo đảm an toàn giao thông

– Thực hiện quy trình đảm bảo an toàn giao thông

– Thực hiện quy định tại Điều 34 Nghị định 10/2020/NĐ-CP