Mặc dù xử phạt do xe chạy chậm là trường hợp hiếm gặp nhưng lỗi này vẫn sẽ bị xử phạt hành chính bất kể phương tiện giao thông cơ giới nào.
Trường hợp nào xe chạy chậm sẽ bị phạt?
Thông thường những loại xe có tốc độ cao lưu thông bằng đường bộ được gọi là xe cơ giới sẽ là các đối tượng buộc phải thực hiện đúng quy định về tốc độ và khoảng cách đối với các xe xung quanh.
Điều khiển xe máy, ô tô tốc độ quá chậm cũng có thể bị phạt tiền (Ảnh minh họa: CV).
Với xe gắn máy, xe mô tô: Phạt 300.000-400.000 đồng trường hợp điều khiển phương tiện chạy ở tốc độ thấp mà không đi về phía bên phải phần đường xe chạy gây cản trở giao thông theo điểm d khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Phạt 100.000-200.000 đồng nếu người lái chạy xe máy, xe mô tô dưới tốc độ tối thiểu tại những đoạn đường có quy định tốc độ tối thiểu cho phép theo điểm q khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Với xe ô tô, các loại xe tương tự ô tô: Phạt 400.000-600.000 đồng trường hợp điều khiển tốc độ thấp hơn phương tiện đi cùng chiều mà không đi về bên phải phần đường xe chạy theo điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP(trừ trường hợp các phương tiện khác đi cùng chiều chạy quá tốc độ quy định).
Phạt từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu người lái ô tô dưới tốc độ tối thiểu tại những đoạn đường có quy định tốc độ tối thiểu cho phép theo điểm s khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Với máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt 400.000-600.000 đồng nếu người lái chạy xe máy kéo, xe máy chuyên dụng dưới tốc độ tối thiểu tại những đoạn đường có quy định tốc độ tối thiểu cho phép theo điểm i khoản 3 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Chạy xe chậm do các yếu tố ngoại cảnh thì không bị phạt
Xe chạy chậm là lỗi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính bất kể phương tiện giao thông cơ giới nào. Tuy nhiên, nếu các yếu tố khác dẫn đến việc phương tiện không thể đi đúng tốc độ thì sẽ không bị phạt.
Cụ thể, khoản 3 Điều 4 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT cho phép người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ chạy với tốc độ phù hợp điều kiện của cầu, đường, mật độ giao thông, địa hình, thời tiết và các yếu tố ảnh hưởng khác để bảo đảm an toàn giao thông.
Qua đó, không xử phạt các xe đang chạy chậm trên đường do các yếu tố ngoại cảnh như đang lên dốc, lưu lượng giao thông dày đặc hoặc trời mưa gió ảnh hưởng đến tốc độ xe.
Quy định về chấp hành tốc độ điều khiển phương tiện giao thông
Điều 12 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình;
Đối với những nơi có biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo; Tuân thủ các quy định về tốc độ xe theo các biển báo tốc độ; biển báo tốc độ trên các tuyến quốc lộ.
Ngoài các yêu cầu trên thì trong các trường hợp sau đây người điều khiển phương tiện giao thông cũng phải thực hiện đúng quy định về tốc độ:
Điều khiển phương tiện trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải di chuyển ở làn đường trong cùng bên phải, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng di chuyển trên làn đường bên trái;
Các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đi ở tốc độ thấp hơn phải đi sang phía bên phải đường;
Các phương tiện di chuyển trên đường cao tốc không được chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu được quy định trên biển báo tốc độ, sơn kẻ trên mặt đường.