Dùng xăng kém chất lượng có thể khiến động cơ hư hỏng nặng nếu người lái vẫn cố vận hành khi phát hiện các dấu hiện bất thường như máy rung, giật, đèn báo lỗi động cơ phát sáng…
Dù được quản lý gắt gao, tình trạng xăng kém chất lượng vẫn xuất hiện trên thị trường, điều này gây ảnh hưởng không ít đến độ bền phương tiện cũng như sự an toàn của người tham gia giao thông.
Cách nhận biết khi đổ nhầm xăng “bẩn”
Chia sẻ với Tri thức – Znews dựa trên kinh nghiệm làm nghề nhiều năm, anh Phạm Hoàng Đức (chủ đơn vị nâng cấp ôtô Passio Tuning) cho rằng có thể chia xăng “bẩn” thành 2 loại, gồm xăng bẩn do lẫn bùn đất, chất cặn và xăng bị pha chất lỏng khác như nước, diesel hoặc xăng có phẩm cấp kém hơn.
Đối với loại xăng bẩn theo đúng nghĩa đen, cặn bẩn có thể gây nghẹt đường dẫn nhiên liệu, nghẹt bơm xăng… Các dòng xe phun nhiên liệu trực tiếp trang bị kim phun có độ chính xác cao nhiều khả năng gặp phải tình trạng nghẹt và hỏng kim phun.
Triệu chứng khi đổ nhầm xăng này là khó khởi động xe, nổ máy không tải động cơ bị rung do đường dẫn xăng bị nghẹt khiến lượng xăng phun vào buồng đốt bị thiếu. Trường hợp xe đang chạy, nếu đạp ga tăng tốc đột ngột sẽ cảm nhận động cơ bị hụt.
Đối với xăng bị pha tạp chất thì thường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các dòng xe đời mới, xe có tỉ số nén cao hoặc trang bị bộ tăng áp, trong khi các xe đời cũ ít “nhạy cảm” với nhiên liệu thì không gặp quá nhiều vấn đề.
Triệu chứng dễ gặp nhất khi đổ nhầm xăng kém chất lượng là động cơ phát ra tiếng kêu lớn, xăng càng kém thì tiếng kêu càng lớn. Đồng thời lúc này đèn báo lỗi động cơ cũng sẽ hiện trên bảng đồng hồ.
Xử lý thế nào khi xe dính xăng “bẩn”
Theo anh Đức, khi xe có những hiện tượng bất thường có nghi ngờ liên quan tới nhiên liệu không đạt chất lượng, việc đầu tiên là hạn chế cho xe hoạt động. Nếu vẫn cố vận hành, động cơ có thể gặp tình trạng bỏ máy (một hoặc nhiều máy trong khối động cơ ngừng hoạt động) hoặc thậm chí hư hỏng hoàn toàn động cơ.
Khi nghi ngờ xe đang sử dụng xăng “bẩn”, chủ xe cần theo dõi các triệu chứng để lựa chọn phương án xử lý chính xác và tối ưu chi phí nhất. Nếu bị nhẹ thì chỉ cần thay lọc xăng gồm lọc thô và lọc tinh, súc rửa kim phun để loại bỏ chất bẩn. Nặng hơn thì cần hạ bình xăng xuống để vệ sinh, kiểm tra béc phun.
Trường hợp đổ nhầm xăng pha tạp chất, có thể cân nhắc bỏ hết xăng cũ ra, đổ xăng mới vào để làm loãng xăng pha tạp chất trong đường ống. “Nếu xăng bị pha diesel, đầu kim phun sẽ bị đóng mụi than rất nhiều. Lúc này cần phải hạ bình xăng để súc rửa, thay toàn bộ lọc xăng và vệ sinh kim phun”, anh Đức cho biết.
Đừng “thần thánh” hóa dung dịch vệ sinh, súc rửa động cơ
Trên thị trường hiện có khá nhiều dung dịch được giới thiệu giúp xử lý được tình trạng đổ nhầm xăng bẩn có lẫn tạp chất với mức giá khoảng vài trăm nghìn đồng. Thực tế, những sản phẩm này vẫn có tác dụng hỗ trợ như quảng cáo, tuy nhiên chỉ có thể dùng khi gặp xăng bẩn ở mức độ nhẹ.
Anh Đức chia sẻ: “Bản thân các chai phụ gia súc rửa buồng đốt nếu đọc kỹ các thành phần có thể thấy hoạt chất chính là các loại nhiên liệu tương tự như xăng máy bay, các hóa chất có tính hòa tan cặn và tẩy rửa. Khi đổ vào bình xăng thì chỉ giúp xử lý tạm thời chứ không thể hoàn toàn sạch sẽ như khi tháo ra và làm vệ sinh từng chi tiết”.
“Trong trường hợp đổ nhầm xăng bị pha, mình có thể dùng các chai phụ gia này đổ vào để cải thiện phần nào chất lượng xăng”, anh Đức nói thêm.
Lưu ý mỗi lần đổ xăng
Để hạn chế gặp phải tình trạng xăng bẩn, kém chất lượng, chủ phương tiện nên đổ xăng ở những trạm xăng quen thuộc, có thương hiệu rõ ràng. Khi đổ cần kiểm tra kỹ loại xăng đổ vào xe có phù hợp với động cơ hay chưa, hầu hết xe có tỉ số nén cao thường yêu cầu sử dụng nhiên liệu có chỉ số RON cao để có thể vận hành tối ưu, bền bỉ.
Trong những chuyến hành trình dài, người lái nên cân nhắc đổ đầy bình xăng trước nhầm hạn chế việc phải tiếp thêm nhiên liệu ở những trạm xăng lạ dọc đường đi. Sau khi đổ xong nên lấy hóa đơn để dễ dàng xử lý trong trường hợp chẳng may xe có vấn đề liên quan đến hệ thống nhiên liệu.
Thời điểm đổ xăng cũng ảnh hưởng phần nào đến chất lượng nhiên liệu. Anh Đức chia sẻ thời điểm bồn nhiên liệu của trạm xăng gần cạn thì lượng xăng được bơm lên sẽ lẫn nhiều cặn, tạp chất hơn thông thường. Tuy nhiên vấn đề này chủ phương tiện khó có thể chủ động được.