Vạch xương cá là thuật ngữ người dân thường gọi dùng để chỉ loại vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V (vạch 4.2). Vi phạm vạch này khi tham gia giao thông bị phạt thế nào?

Theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, vạch xương cá được sử dụng để giới hạn các phần mặt đường không sử dụng cho xe chạy mà sử dụng để kênh hóa các dòng giao thông trên đường.

Vạch này thường được sử dụng tại các địa điểm như: Ở trạm thu phí: Hướng dẫn xe xe đến cửa thu phí của cổng trạm thu phí.

Ở các nút giao cùng mức: Dùng để kênh hóa các dòng xe ở ngã ba, ngã tư phức tạp.

Trên đoạn đường được bố trí vạch xương cá, các phương tiện tham gia giao thông phải đi theo tuyến đường quy định, không được lấn vạch hoặc cắt qua vạch trừ những trường hợp khẩn cấp.

Trong đó, các trường hợp khẩn cấp có thể kể đến như: Xe gặp sự cố buộc phải dừng, đỗ trên đường; Tài xế, phương tiện đang trong tình trạng nguy hiểm; Ảnh hưởng bởi thời tiết xấu…

Do đó, các phương tiện không được dừng, dỗ, đi đè lên vạch xương cá. Nếu cố tình vi phạm, người tham gia giao thông sẽ bị xử phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh, các chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường.

Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức phạt đối với lỗi đè vạch xương cá được quy định như sau:

Đối với xe ôtô, phạt tiền 300.000 – 400.000 đồng. Tước Giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng nếu vi phạm mà gây tai nạn.

Với xe máy, phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng. Tước Giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng nếu vi phạm mà gây tai nạn.

Máy kéo, xe máy chuyên dùng phạt tiền 100.000 – 200.000 đồng. Vi phạm mà gây tai nạn sẽ bị tước Giấy phép lái xe (máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (xe máy chuyên dùng) từ 2 – 4 tháng.

Xe đạp vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 80.000 – 100.000 đồng.