Đưa việc ”độ đèn” vào nề nếp, thống nhất việc áp dụng
Từ ngày 15/2/2024, Thông tư số 43/2023 của Bộ GTVT (sửa đổi, bổ sung Thông tư số 85/2014) quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bắt đầu có hiệu lực thi hành. Theo Cục Đăng kiểm VN, nổi bật của thông tư này “định nghĩa lại” về cải tạo xe cơ giới, với việc đưa ra hơn chục trường hợp thay đổi hạng mục kỹ thuật trên xe ô tô mà không còn được xem là ”cải tạo” như trước. Đồng nghĩa với việc chủ xe khi thay đổi, cải tạo kỹ thuật không phải lập hồ sơ thiết kế mà vẫn được đăng kiểm chấp nhận.
Theo ghi nhận của PV Tạp chí GTVT tại một số trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội sau hơn một tuần thông tư có hiệu lực, hạng mục được nhiều chủ phương tiện quan tâm, thậm chí thắc mắc là thay đổi đèn chiếu sáng phía trước của xe ô tô và lắp thêm đèn sương mù (hay còn gọi là đèn phá sương, đèn gầm). Bởi cùng là ”độ đèn” chiếu sáng, lắp thêm đèn sương mù nhưng có xe được trung tâm đăng kiểm xác nhận đạt yêu cầu, có trường hợp bị ”mời về” để khắc phục hoặc bổ sung giấy tờ liên quan. “Tôi muốn lắp cho đèn sáng hơn nên mấy tháng trước nâng cấp từ đèn halogen sang đèn bi Led “siêu sáng”, thế nhưng giờ đi đăng kiểm không được, bị yêu cầu khắc phục vì góc chóe sáng quá lớn, đèn cũng không có giấy tờ nguồn gốc xuất xứ kèm theo”, anh Vĩnh, chủ một xe con chia sẻ.
Ông Trần Minh Thiệu, Phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm 29-29D và lãnh đạo một số đơn vị đăng kiểm khác cho biết, lâu nay việc ”độ đèn”, lắp thêm đèn xe diễn ra phổ biến. Điều này xuất phát phát từ nhu cầu thay đèn, nâng cấp đèn chiếu sáng hoặc ”chơi đèn” để tạo ánh sáng mạnh, khác lạ cho phương tiện; với đèn sương mù, một phần do nhiều loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước không lắp kèm mà chỉ để hốc, vị trí chờ nên sau đó chủ xe lắp thêm.
Trong khi đó, quy định trước đây không rõ ràng (như yêu cầu khi thay đổi đèn, lắp thêm đèn, kiểu loại đèn phù hợp, thủ tục liên quan…) phần nào khiến các đơn vị đăng kiểm hiểu, áp dụng khác nhau. Có thể kể đến như việc đèn chiếu sáng loại Halogen thì có được chuyển sang đèn bi Led hay không, xe lắp thêm đèn gầm có được coi là cải tạo không, lắp thế nào là phù hợp…
“Thông tư mới giúp siết chặt quản lý chất lượng đèn chiếu sáng, đèn gầm lắp đặt trên xe ô tô, giải quyết tình trạng “loạn” đèn xe ô tô tại khâu đăng kiểm định kỳ phương tiện. Bên cạnh đó, cũng tháo gỡ cho đơn vị, anh em làm đăng kiểm, bởi hướng dẫn cách áp dụng kiểm tra đèn thống nhất”, theo ông Thiệu.
Ông Trần Quốc Hoan, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 29-03V cũng cho biết, với việc không yêu cầu làm thủ tục khi thay đèn xe ô tô và lắp thêm đèn sương mù, thông tư mới tạo sự thuận lợi cho chủ phương tiện, song cũng nâng trách nhiệm của chủ xe trong việc lựa chọn loại đèn có nguồn xuất xứ rõ ràng, sử dụng loại đèn phù hợp với thiết kế của xe.
”Khá phổ biến các trường hợp cơ sở buôn bán, cung cấp đèn xe không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng đèn, kéo theo tình trạng lắp đặt tùy tiện. Quy định mới góp phần kiểm soát, hạn chế việc ”độ đèn” ngay từ khâu cung cấp và lắp đặt cho phương tiện”, ông Hoan cho biết.
”Độ đèn” theo quy định mới cần lưu ý gì ?
Theo đơn vị đăng kiểm, việc ”độ đèn” xe ô tô thời gian qua phổ biến là các dạng: thay cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng cụm đèn khác kiểu loại so với thiết kế của xe, thay cụm đèn chiếu sáng thông thường bằng đèn bi Led (hay còn gọi là lên bi) có cường độ sáng lớn và góc lóa rộng, thay đèn chiếu sáng có cả ánh sáng xanh, đỏ (đèn mắt quỷ); thay bóng đèn có công suất lớn hơn nhiều so với bóng cũ.
Đối với đèn sương mù, phổ biến tình trạng lắp đèn bi Led và hoạt động tương tự như đèn chiếu sáng gần, chiếu xa (đèn pha), lắp dải đèn ở giữa đầu xe, đèn có nhiều màu sắc khác nhau… Các trường hợp như trên khi đăng kiểm định kỳ phương tiện sẽ không được chấp thuận, buộc phải khắc phục, sửa chữa.
”Quy định mới cho phép chủ xe được thay đổi đèn chiếu sáng phía trước, lắp thêm đèn sương mù mà không cần làm thủ tục gì. Tuy nhiên, cần lưu ý một số điều kiện để được đơn vị đăng kiểm chấp thuận, trong đó với cụm đèn chiếu sáng phía trước phải kèm theo tem hoặc giấy chứng nhận hợp quy để chứng minh chất lượng và nguồn gốc xuất xứ”, theo ông Trần Quốc Hoan, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 29-03V.
Cụ thể, đối với đèn chiếu sáng phía trước, đơn vị đăng kiểm chỉ chấp thuận cụm đèn thay thế đã được chứng nhận hoặc công bố hợp quy theo QCVN 35:2017/BGTVT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, mà không cần phải gia công thay đổi kết cấu của xe để đảm bảo việc lắp đặt.
”Tem hợp quy được dán trên đèn và có giấy tờ kèm theo. Khi mua đèn, cơ sở cung cấp có trách nhiệm cấp cho người mua chứng từ này. Chủ xe khi thay đèn cần giữ giấy tờ này để cung cấp cho trung tâm đăng kiểm. Nếu không có sẽ được coi là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc và không được đăng kiểm chấp thuận kết quả kiểm định đèn”, ông Hoan giải thích thêm.
Trường hợp đơn giản hơn là thay thế bóng đèn, quy định mới cho phép thay thế bóng đèn kiểu loại khác với thiết kế của xe nhưng công suất phải tương đương và không cần thay đổi kết cấu cụm đèn vẫn thay được bóng.
Cũng theo các đơn vị đăng kiểm, đối với đèn sương mù, quy định mới cho phép chủ phương tiện được lắp thêm đèn sương mù mà không cần làm thủ tục gì, song yêu cầu là chỉ được lắp dạng rời, số lượng chỉ 2 chiếc, vị trí mỗi đèn ở bên dưới đèn chiếu sáng phía trước.
”Đèn sương mù chỉ được dùng màu trắng hoặc vàng. Số lượng tối là 2 đèn, lắp phía đầu xe, bên dưới đèn chiếu sáng và đối xứng với nhau; vị trí đèn tính từ mép ngoài cùng của xe không quá 40 cm và không thấp hơn 25 cm. Công tắc bật, tắt đèn sương mù phải độc lập với đèn chiếu sáng phía trước”, hướng dẫn của các đơn vị đăng kiểm trên.
Ngoài các yêu cầu cơ bản trên, ông Hoan chia sẻ thêm, đèn sương mù phải được lắp đặt để đảm bảo chùm ánh sáng không hắt lên phía trên, mà phải nằm bên dưới đường nằm ngang (có thể xác định ước chừng hoặc máy kiểm tra đèn) mới được đơn vị đăng kiểm chấp thuận, xác nhận sự phù hợp của đèn.