Đèn khẩn cấp được thiết kế chỉ để dùng trong những trường hợp khẩn cấp nhưng trên thực tế rất nhiều người dùng sai loại đèn này.

Khi việc sử dụng sai đèn khẩn cấp trở thành thông lệ, nguy cơ xảy ra tai nạn càng cao do người lái có xu hướng “phớt lờ” đèn khẩn cấp, từ đó dễ tông vào một phương tiện đang gặp rắc rối phải dừng lại giữa đường, đặc biệt là khi trời mưa, tầm nhìn bị hạn chế.

Ngoài ra, đèn khẩn cấp nhấp nháy ảnh còn hưởng đến tầm nhìn của những tài xế khác, khiến họ khó thấy xe khác ra hiệu rẽ hoặc chuyển làn.
Không ít người thích bật đèn khẩn cấp khi lái xe trời mưa vì muốn tăng sự chú ý cho các tài xế khác, nhưng đây là lựa chọn sai lầm. (Ảnh minh họa).

Không ít người thích bật đèn khẩn cấp khi lái xe trời mưa vì muốn tăng sự chú ý cho các tài xế khác, nhưng đây là lựa chọn sai lầm. (Ảnh minh họa).

Trên thực tế, không chỉ tại riêng Việt Nam mà ở nhiều quốc gia phát triển, nhiều người vẫn dùng sai đèn khẩn cấp.

Ví dụ, để cảm ơn vì đã nhường đường, không ít tài xế ở Nhật đã sử dụng đèn khẩn cấp. Ngoài ra, họ còn dùng đèn khẩn cấp khi vượt xe khác, đi qua giao lộ hay đơn giản chỉ là vì họ đang chạy xe tốc độ cao.

Tại Việt Nam, nhiều tài xế thậm chí sử dụng đèn khẩn cấp để “hợp pháp hóa” việc dừng, đỗ xe trái phép. Tuy nhiên, trường hợp các phương tiện không gặp sự cố kỹ thuật nhưng lợi dụng bật đèn khẩn cấp để dừng, đỗ xe ở những tuyến đường có biển cấm phương tiện dừng, đỗ sẽ vẫn bị xác định là vi phạm quy định tại Điểm e Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về dừng, đỗ xe, và bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Theo các chuyên gia, thay vì sử dụng đèn khẩn cấp khi trời mưa bão, tài xế cần giữ khoảng cách với xe phía trước xa hơn bình thường để kịp xử lý các tình huống bất ngờ. Ngoài ra, tài xế phải bật đèn sương mù; phanh sớm, hạn chế phanh gấp; chuyển về số thấp, chạy đều ga; giữ tốc độ an toàn; tập trung quan sát; hạn chế chạy song song với xe lớn.

Các tài xế cũng nên tránh đi vào những vùng nước đọng khi trời mưa vì có thể đi nhầm vào ổ gà, trượt bánh hoặc tạo sóng nước gây nguy hiểm cho người đi kế bên.

Ngoại trừ xe SUV gầm cao, xe bán tải thì đa phần các dòng xe gầm thấp đến trung bình đều giới hạn mức nước an toàn nửa lốp xe. Nếu tài xế cố vượt qua vùng ngập nước sâu hơn thì khả năng cao nước sẽ tràn vào cổ hút gió. Vì vậy khi chắc chắn mức nước thấp hơn cổ hút gió thì mới chạy trên các vùng ngập sâu.

Ngoài ra tuyệt đối không cố băng qua vùng nước chảy xiết bởi lực nước chảy mạnh có thể khiến bánh xe mất độ bám, trượt ngang, toàn bộ xe bị nổi và cuốn theo dòng nước.