Nâng hạng bằng lái xe từ E lên FC cần đáp ứng những tiêu chí gì?

Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 7 

Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 
Thông tư 38/2019/TT-BGTVT
 quy định như sau:

Điều kiện đối với người học lái xe

1. Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam.

2. Đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định; đối với người học để nâng hạng giấy phép lái xe, có thể học trước nhưng chỉ được dự sát hạch khi đủ tuổi theo quy định.

3. Người học để nâng hạng giấy phép lái xe phải có đủ thời gian lái xe hoặc hành nghề và số km lái xe an toàn như sau:

a) Hạng B1 số tự động lên B1: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;

b) Hạng B1 lên B2: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;

c) Hạng B2 lên C, C lên D, D lên E; các hạng B2, C, D, E lên hạng F tương ứng; các hạng D, E lên FC: thời gian hành nghề từ 03 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên;

d) Hạng B2 lên D, C lên E: thời gian hành nghề từ 05 năm trở lên và 100.000 km lái xe an toàn trở lên.

đ) Trường hợp người học nâng hạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ với hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, thời gian lái xe an toàn được tính từ ngày chấp hành xong các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

4. Người học để nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.

Căn cứ điểm d khoản 1 và khoản 2 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:

Tuổi, sức khỏe của người lái xe

1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:

a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;

b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;

c) Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);

d) Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);

đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);

e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.

2. Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe.

Theo các quy định trên thì để nâng hạng bằng lái xe từ E lên FC thì người học lái xe cần đáp ứng các tiêu chí sau đây:

– Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam.

– Đủ 24 tuổi trở lên;

– Đủ sức khỏe;

– Có thời gian hành nghề từ 03 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên.

Để thi bằng lái xe hạng FC thì cần trải qua thời gian đào tạo lý thuyết và thực hành như thế nào?

Căn cứ điểm i khoản 1 Điều 14 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định:

Đào tạo nâng hạng giấy phép lái xe

1. Thời gian đào tạo

i) Hạng C, D, E lên FC: 272 giờ (lý thuyết: 48, thực hành lái xe: 224).

Theo đó, thời gian đào tạo để nâng hạng E lên FC là 272 giờ, trong đó lý thuyết là 48 giờ, thời gian thực hành lái xe là 224 giờ.

Bằng lái xe

Bằng lái xe (Hình từ Internet)

Bằng lái xe hạng FC có thời hạn bao lâu?

Tại khoản 4 Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định như sau:

Thời hạn của giấy phép lái xe

4. Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.

Như vậy, bằng lái xe hạng FC có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.