Mua xe máy cũ diễn ra khá phổ biến tại Việt Nam, người mua xe có thể mua đúng xe chính chủ hoặc không chính chủ. Vậy nếu đi xe không chính chủ người dân có bị phạt không?
Xe không chính chủ là gì?
Các loại xe máy, xe ô tô,… là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu với cơ quan có thẩm quyền và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe. Đây là giấy tờ xác nhận quyền sở hữu của chủ phương tiện.
Căn cứ theo khoản 4 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, điểm b khoản 4 Điều 6 Thông tư 24/2023/TT-BCA, lỗi xe không chính chủ chính được hiểu là lỗi không sang tên xe sau khi đã làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu trong thời hạn 30 ngày.
Mua xe không chính chủ có bị phạt không?
Mua xe không chính chủ là hành vi thực hiện giao dịch mua bán xe với người không đứng tên trên giấy tờ chứng nhận đăng ký xe và không làm thủ tục sang tên chuyển quyền sở hữu xe tại cơ quan có thẩm quyền.
Trong trường hợp mua xe không chính chủ thì người đứng tên trên giấy đăng ký xe vẫn được xác định là người sở hữu xe chứ không phải là người đang sử dụng. Do đó, nếu không làm thủ tục sang tên theo đúng quy định pháp luật thì người đang sử dụng xe không chính chủ sẽ bị xử phạt theo quy định.
Căn cứ khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định không sang tên xe chỉ được thực hiện trong 02 trường hợp sau:
- Khi thực hiện công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông;
- Khi thực hiện công tác đăng ký xe.
Như vậy, việc mua xe không chính chủ sẽ bị xử phạt nếu không thực sang tên trong thời hạn 30 ngày kể từ khi lập giấy tờ chuyển quyền sở hữu và chỉ bị xử phạt trong quá trình thực hiện đăng ký xe hoặc điều tra, giải quyết tai nạn giao thông.
Việc xử phạt mua xe không chính chủ, không thực hiện thủ tục sang tên xe để chuyển tên chủ xe trên giấy chứng nhận đăng ký xe sang tên của mình khi mua được quy định tại điểm a khoản 4 và điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
Trường hợp | Cá nhân | Tổ chức |
Đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe gắn máy | Phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng | Phạt tiền từ 800.000 đồng- 1,2 triệu đồng |
Đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô | Phạt tiền từ 02 – 04 triệu đồng | Phạt tiền từ 04 – 08 triệu đồng |
Như vậy, theo quy định trên thì việc xe máy không chính chủ (không sang tên sau khi chuyển quyền sở hữu) nhưng vẫn lưu thông trên đường sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức.
Thủ tục sang tên xe không chính chủ mới nhất
Hồ sơ
Người đang sử dụng xe đến cơ quan quản lý hồ sơ đăng ký xe để làm thủ tục sang tên, xuất trình giấy tờ theo quy định tại Điều 9 Thông tư 58/2020/TT-BCA, ghi rõ quá trình mua bán, giao nhận xe hợp pháp, cam kết về nguồn gốc xuất xứ của xe và nộp giấy tờ sau:
– Giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư 58/2020/TT-BCA.
– Giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng (nếu có).
Phương thức nộp: Người đang sử dụng xe trực tiếp đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục sang tên.
Cơ quan giải quyết: Cơ quan đăng ký xe theo quy định tại Điều 3 Thông tư 58/2020/TT-BCA.
Sau 30 ngày nếu không tranh chấp, khiếu kiện, cơ quan quản lý hồ sơ xe phải giải quyết đăng ký, cấp biển số (đối với ôtô sang tên trong cùng tỉnh và môtô cùng điểm đăng ký xe) hoặc cấp Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe cho người đang sử dụng xe để làm thủ tục đăng ký, cấp biển số tại nơi cư trú.