Bộ Công an đang trình dự thảo về Nghị định xử phạt vi phạm giao thông (thay thế nhiều điểm của Nghị định 100). Dự thảo Nghị định có hiệu lực từ 1.1.2025.

Nghị định 100 về xử phạt vi phạm giao thông sắp thay đổi

Nghị định 100 về xử phạt vi phạm giao thông sắp thay đổi. Ảnh: Xuyên Đông
Dự thảo về xử phạt vi phạm giao thông mới có tên là Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe.

Lý giải sự cần thiết ban hành Nghị định, Bộ Công an cho biết, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ diễn biến phức tạp; vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, xuất hiện nhiều hành vi mới, có tính chất nguy hiểm nhưng chưa được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30.12.2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sau đây viết gọn là Nghị định số 100/2019/NĐ-CP), Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định 100.

Ngoài ra, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều loại hình phương tiện giao thông đường bộ mới được đưa vào sử dụng nên cần phải có quy định bao quát, đầy đủ hơn.

Hiện nay, pháp luật quy định các hành vi vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng.

Mỗi năm cơ quan chức năng tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn trên 500 nghìn trường hợp vi phạm.

Khi bị tước quyền sử dụng, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, dẫn đến tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày của người dân; việc tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến nhận, tồn đọng nhiều Giấy phép lái xe tại cơ quan xử phạt, dẫn đến lãng phí, tăng chi phí, nhân lực nhưng vẫn chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.

Để triển khai việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, đảm bảo các văn bản được ban hành có hiệu lực thi hành cùng thời điểm của Luật, ngày 27.7.2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 717/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, trong đó giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Về cơ sở pháp lý, ngày 27.6.2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025.

Luật bổ sung các quy định mới về quy tắc, phương tiện, người tham gia giao thông đường bộ, trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đặc biệt là quy định về điểm, trừ điểm, phục hồi điểm của Giấy phép lái xe.

Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20.6.2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13.11.2020 quy định về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Luật Căn cước ngày 22.6.2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024. Trong đó quy định: “Hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức cung cấp dịch vụ công kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử để khai thác thông tin của chủ thể danh tính điện tử phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường điện tử và các hoạt động quản lý nhà nước khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao qua nền tảng định danh và xác thực điện tử. Chủ thể danh tính điện tử khai thác, chia sẻ thông tin danh tính điện tử và thông tin khác của mình đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử với tổ chức, cá nhân khác qua ứng dụng định danh quốc gia hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Luật Giao dịch điện tử ngày 22.6.2023, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2024. Tại khoản 3 Điều 1 quy định: Trường hợp luật khác quy định hoặc không quy định giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo quy định của Luật này. Trường hợp luật khác quy định không được thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì thực hiện theo quy định của luật đó.

Xuất phát từ những lý do trên, theo Bộ Công an việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe là hết sức cần thiết.