Quy định pháp luật chống lại việc ép khách hàng mua bảo hiểm tự nguyện đã được cụ thể hóa trong luật và thông tư hướng dẫn.
Từ ngày 1/7 tới, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (được thông qua ngày 18/1/2024 tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV) có hiệu lực.
Theo khoản 5, Điều 15 của luật này quy định: “Cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.
Tại khoản 3a, Điều 53 Thông tư 67/2023/TT-BTC, quy định: “Tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải giải thích cho bên mua bảo hiểm các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm là sản phẩm bảo hiểm. Việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khác của tổ chức hoạt động đại lý”.
Chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Khắc Xuân (Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm InFair) cho hay, bản thân nhận được vô số lời phàn nàn về việc phải mua bảo hiểm tự nguyện của hãng bảo hiểm A khi khách hàng vay tiền mua xe trả góp tại ngân hàng B.
Nhiều khách hàng bức xúc vì không có bảo hiểm tự nguyện thì không được giải ngân khoản vay, hoặc nếu có giải ngân thì phải mua bảo hiểm tái tục tương ứng thời hạn gói vay, thường từ 4-7 năm.
“Nhiều người bức xúc việc không được cấp bản sao giấy đăng ký xe để lưu thông trên đường, nếu không mua bảo hiểm tự nguyện. Ngân hàng nào làm như vậy là tự đánh mất đi bản chất của sản phẩm bảo hiểm được gọi là tự nguyện”, ông Xuân cho hay.
Từ đầu tháng 11/2023, nội dung “ngân hàng ràng buộc khoản vay bằng gói bảo hiểm” đã được đề cập trong quy định mới của Bộ Tài chính (Thông tư 67/2023/TT-BTC), theo hướng không được ép mua bảo hiểm, không được ràng buộc khoản vay với dịch vụ bảo hiểm.
Sang đầu năm 2024, nội dung này được luật hóa thành quy định cấm (khoản 5, Điều 15, Luật Các tổ chức tín dụng 2024). Theo đó cấm nhân viên ngân hàng gắn dịch vụ của ngân hàng với sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc.
Như vậy, quy định pháp lý đã rõ ràng, hành vi ép mua bảo hiểm vật chất khi vay mua ô tô bị cấm.
Vậy người mua xe trả góp nên làm gì khi bị ép mua bảo hiểm này?
Theo ông Nguyễn Khắc Xuân, khi bị ép mua bảo hiểm tự nguyện trái mong muốn, khách hàng nên trích dẫn hai quy định pháp luật, gồm khoản 3a, Điều 53 Thông tư 67/2023/TT-BTC và khoản 5, Điều 15, Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Trường hợp tiếp tục bị gây khó dễ, ràng buộc khoản vay với gói bảo hiểm tự nguyện nào đó, khách hàng làm đơn khiếu nại gửi Cơ quan Thanh tra giám sát (thuộc Ngân hàng Nhà nước) hoặc Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (thuộc Bộ Tài chính) để được cơ quan quản lý Nhà nước can thiệp kịp thời.