Sau 2 lần cơ quan chức năng thông báo mà người liên quan không đến làm việc, phương tiện liên quan hành vi vi phạm hành chính sẽ bị tịch thu.
Cảnh sát làm thủ tục tạm giữ phương tiện của tài xế vi phạm nồng độ cồn – Ảnh: HỒNG QUANG
Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là các tài xế có nồng độ cồn. Qua đó, nhiều phương tiện đã bị tạm giữ.
Tuy nhiên, một số trường hợp vi phạm đã bỏ lại xe, vì giá trị của chiếc xe không bằng mức phạt phải nộp.
Từ tình trạng trên, nhiều người đặt ra thắc mắc hành vi bỏ lại xe khi bị tạm giữ ảnh hưởng thế nào đến quá trình giải quyết thủ tục hành chính? Người vi phạm giao thông không nộp phạt, bỏ lại xe của mình sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo thông tin từ Bộ Công an, điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.
Điều 86 của luật trên cũng nêu rõ: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt đó.
Đối với phương tiện hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người liên quan không đến nhận mà không có lý do chính đáng, Bộ Công an dẫn điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho người vi phạm/sở hữu 2 lần.
Lần thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện.
Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn bảy ngày làm việc, tính từ ngày thông báo thứ nhất.
Hết thời hạn một tháng kể từ thông báo lần thứ hai mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận, trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Trong quý 1 vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã quyết liệt trong việc xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông.
Cụ thể, đã có trên 1,03 triệu trường hợp vi phạm bị xử lý, phạt tiền hơn 2.041 tỉ đồng. Cùng thời điểm trên, lực lượng chức năng đã tạm giữ 373.545 phương tiện các loại, trong đó phần lớn là xe máy.