Cuối tuần qua, 3 tai nạn liên quan đến sự cố ở càng đáp của máy bay đã xảy ra, trong đó 1 vụ khiến 179 người thiệt mạng.
Sáng 29.12, một chiếc máy bay của hãng Jeju Air chở 175 hành khách cùng 6 thành viên phi hành đoàn từ Bangkok bay về sân bay Muan thì chệch đường băng rồi đâm vào hàng rào bốc cháy dữ dội. Cuối cùng lực lượng cứu hộ chỉ tìm thấy 2 người sống sót. Máy bay xấu số được xác định cả 3 càng đáp đều không hoạt động bình thường.
Tối cùng ngày, tại Canada cũng có một máy bay của hãng Air Canada khởi hành từ St.John đến Halifax gặp sự cố càng đáp phải hạ cánh bằng bụng rồi bốc cháy. Điều may mắn là hành khách cùng phi hành đoàn được sơ tán ngay. Đến sáng 30.12, một máy bay Jeju Air khác quay lại điểm khởi hành là sân bay quốc tế Gimpo do phi công phát hiện điều bất thường ở càng đáp.
Trang Skybrary giới thiệu càng đáp là bộ phận hỗ trợ chính hứng chịu trọng lượng lẫn tải trọng máy bay khi đỗ, lăn bánh, cất hạ cánh.
Càng đáp lắp bánh xe là loại phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, nhà sản xuất cũng có thể lắp thêm phao để di chuyển trên mặt trước hoặc ván trượt để hạ cánh trên tuyết.
Trên máy bay cỡ nhỏ thường có 3 càng đáp lắp bánh xe: 2 càng chính nằm mỗi bên thân, 1 càng nữa nằm phía trước hoặc phía sau. Máy bay có càng đáp thứ ba nằm phía sau đôi khi được gọi là máy bay bánh lái đuôi.
Hai càng chính chịu phần lớn trọng lượng máy bay còn càng phụ đóng vai trò điểm chịu lực thứ ba. Cách sắp xếp như vậy đảm bảo gầm đủ cao cho cánh quạt lớn gắn ở mũi động cơ nên phổ biến ở hầu hết máy bay cỡ nhỏ như PIPER L-18C hay C170. Nhưng trọng tâm nằm sau càng đáp chính khiến điều khiển hướng trở nên khó khăn hơn lúc máy bay trên mặt đất, dễ dẫn đến tình trạng máy bay chao đảo mất kiểm soát. Trong khi đó hạ cánh bằng càng nằm phía sau có thể tạo đủ lực nâng (tùy vào tốc độ) khiến máy bay cất cánh trở lại. Tầm nhìn phía trước giảm khi càng nằm phía sau nằm gần mặt đất là một nhược điểm khác.
Máy bay có càng đáp thứ ba nằm phía trước được gọi là máy bay bánh lái mũi. Cách sắp xếp như vậy cho phép phanh mạnh hơn khi hạ cánh ở tốc độ cao mà không khiến máy bay bị nghiêng, giảm thiểu rủi ro chao đảo mất kiểm soát, đảm bảo tầm nhìn phía trước tốt hơn.
Càng trước hoặc càng sau lái được cho phép điều khiển máy bay lúc trên mặt đất. Hầu hết máy bay được lái bằng cách di chuyển bàn đạp lái. Phanh nằm ở 2 càng chính và được điều khiển bằng bàn đạp hoặc tay gạt.
Càng đáp còn được phân thành loại cố định cùng loại có thể thu vào. Loại cố định có ưu điểm là kết cấu đơn giản, ít cần bảo trì. Loại có thể thu vào giúp giảm lực cản. Hầu hết máy bay hiện đại đều trang bị càng đáp thu vào.
Máy bay nặng hơn cần càng đáp phức tạp hơn. Càng trang bị nhiều bánh xe và đôi khi càng chính gồm 2 cụm trở lên.
Càng đáp thu vào thường dùng hệ thống thủy lực. Trong trường hợp hỏng hóc thì cần đến hệ thống mở khẩn cấp (tay quay hoặc bơm vận hành thủ công).
Hạ cánh với càng đáp hướng lên hay không khóa có thể dẫn đến mất kiểm soát hướng trên mặt đất.
Tai nạn liên quan đến sự cố càng đáp
Trước 3 vụ máy bay gặp sự cố về càng đáp xảy ra cuối tuần qua từng có không ít vụ tai nạn liên quan đến bộ phận này.
Tháng 8.2018, một chiếc Airbus A320 khởi hành từ Perth (Úc) mà không tháo hoàn toàn khóa càng đáp chính trên mặt đất. Nhiều bộ phận không được cố định đã rơi xuống đường băng lúc máy bay lăn bánh và cất cánh.
Tháng 11.2012, một chiếc Airbus A300 chệch khỏi đường băng tại Bratislava (Slovakia). Điều tra sau đó phát hiện càng đáp trước không được lắp lại đúng cách.
Tháng 9.2025, một chiếc Airbus A320 hạ cánh khẩn cấp thành công tại sân bay Los Angeles (Mỹ) với càng trước nghiêng 90 độ về phía trước do lỗi thu bánh.