Sau khi đi qua đường ngập nước, ô tô điện cần kiểm tra các dây điện cao áp, vỏ hộp pin và một số hệ thống khác để đảm bảo an toàn, tránh các hư hỏng phát sinh.

Kiểm tra hệ thống dây điện cao áp

Ô tô điện sẽ không lo ngại vấn đề thủy kích như xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống. Tuy nhiên sau khi đi qua vùng ngập nước vẫn sẽ cần kiểm tra một số bộ phận để đảm bảo an toàn, tránh các hư hỏng phát sinh.

Điều đầu tiên tài xế cần đưa xe đi kiểm tra tổng quát hệ thống dây điện cao áp. Đây là các dây điện kết nối giữa hệ thống pin, bộ biến tần và động cơ. Đó chính là những bộ phận dễ bị hư hỏng nhất do ngập nước.

Ô tô điện cần kiểm tra gì sau khi lội nước?- Ảnh 1.

Cần kiểm tra các dây điện cao áp (màu cam) để đảm bảo không bị lọt nước vào các đầu nối. Ảnh minh họa.

Sau một thời gian sử dụng gioăng làm kín tại các đầu nối bị xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ lọt nước và hơi ẩm vào hai đầu điện cực. Lúc này sẽ xảy ra hiện tượng báo lỗi pin, khiến chiếc xe không thể tiếp tục di chuyển.

Nếu không được phát hiện sớm, lâu ngày hơi ẩm và nước sẽ đẩy nhanh quá trình oxi hóa giữa hai đầu cực, dẫn tới gãy các chân tiếp xúc. Lúc này chi phí sửa chữa và thay thế sẽ vô cùng lớn.


Ô tô điện có 'sợ' ngập nước?

Khi ô tô điện ngập nước sẽ không gây ra những hậu quả tức thời nhưng về lâu dài vẫn sẽ ảnh hưởng tới một số bộ phận, có thể gây hư hỏng với chi phí sửa chữa lớn.

Vỏ hệ thống pin

Vỏ hệ thống pin được thiết kế với khả năng chịu lực, chịu nhiệt và chống nước. Tuy nhiên, nếu liên tục đi qua vùng ngập nước có thể khiến nước mưa và bùn đất đọng lại những vị trí khuất.

Nếu lúc này không được kiểm tra và làm sạch, lâu ngày nước mưa và đất cát có thể làm gỉ sét khiến nước có thể ngấm vào hệ thống pin gây hư hỏng.

Ngoài ra với việc được lắp đặt ở dưới gầm xe, vỏ bảo vệ pin có thể gặp bị móp méo do va chạm với mặt đường. Đặc biệt với những cung đường ngập nước tài xế sẽ dễ đi vào những vị trí ổ gà mấp mô.

Ô tô điện cần kiểm tra gì sau khi lội nước?- Ảnh 3.

Vỏ pin bị hư hỏng dẫn tới nước ngấm vào gây hư hỏng toàn bộ hệ thống pin. Ảnh minh họa.

Chủ xe cũng cần kiểm tra không gian nội thất, do nước có thể tràn vào khoang nội thất thông qua các cửa gió điều hòa hoặc những khe cân bằng áp suất. Nếu không kiểm tra và khắc phục kịp thời sẽ khiến những chi tiết nội thất ẩm mốc, hư hỏng gây mùi khó chịu.

Khoang động cơ cũng cần được kiểm tra để loại bỏ những phần nước hoặc rác thải đất cát còn đọng lại sau khi đi qua vùng nước ngập.

Khả năng lội nước của ô tô điện

Theo đánh giá của tổ chức chuyên gia về xe điện Electrifying, không hề có sự khác biệt nào giữa xe điện và xe động cơ đốt trong trong việc phải làm gì khi gặp khu vực ngập nước.

Nói đơn giản, bất kể bạn đang điều khiển loại phương tiện nào, cũng cần phải tránh tối đa hết mức có thể đối với các vùng ngập lụt để đảm bảo an toàn cho cả chiếc xe lẫn bản thân người bên trong.

Có thể thấy, mặc dù ô tô điện không lo ngại vấn đề thủy kích, chết máy khi đi vào những vũng nước sâu như xe động cơ đốt trong nhưng việc di chuyển trong điều kiện địa hình bất lợi vẫn đem tới những rủi ro mất an toàn.

Ô tô điện cần kiểm tra gì sau khi lội nước?- Ảnh 4.

Cần hạn chế lái xe điện qua vùng ngập nước để tăng tuổi thọ phương tiện. Ảnh minh họa.

Các mẫu xe điện đều được các nhà sản xuất công bố có khả năng kháng nước, tuy nhiên họ không khuyến cáo người dùng lái xe qua những vùng ngập quá sâu trong thời gian dài.

Tại Việt Nam, theo công bố, VF e34, VF 8 hay một số dòng xe điện khác của VinFast được trang bị khối pin với tiêu chuẩn IP67, tức có khả năng chịu ngập trong vòng 30 phút ở mức nước lên tới 1 mét.

Tuy vậy, nhà sản xuất cũng khuyến cáo người dùng không nên chủ quan khi di chuyển ô tô điện đi đường ngập sâu trong thời gian dài, vượt quá điều kiện cho phép để hạn chế rủi ro.