Với trạng thái tăng trần trong phiên cuối tuần qua, cổ phiếu QCG của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đạt thị giá 14.400 đồng/đơn vị. Chỉ trong một tuần, QCG tăng trần tới 3 phiên (phiên 9,10/4 và phiên 12/4).
Đáng chú ý, trong phiên 15/4, giữa lúc thị trường bị bán tháo, sàn HoSE có 111 mã giảm sàn, VN-Index bị thổi bay 60 điểm tương ứng 4,7% thì QCG vẫn đóng cửa với mức tăng mạnh 4,2% lên 15.000 đồng. Mã này có lúc tăng trần lên 15.400 đồng.
Tính chung trong một tháng trở lại đây, cổ phiếu QCG tăng 58,7% trong khi VN-Index giảm 3,73%. Riêng một tuần qua, QCG đã tăng tới 22%.
Theo báo cáo quản trị công ty năm 2023 của Quốc Cường Gia Lai, bà Nguyễn Thị Như Loan – Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty – đang sở hữu 101,92 triệu cổ phiếu QCG.
Trong các thành viên thuộc gia đình bà Loan, bà Nguyễn Ngọc Huyền My, con gái bà Loan, sở hữu 39,4 triệu cổ phiếu, con rể bà Loan là ông Lầu Đức Duy sở hữu 10,5 triệu cổ phiếu QCG.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Cường, con trai bà Loan, lại chỉ sở hữu khiêm tốn 537.500 cổ phiếu dù công ty được đặt theo tên ông Cường. Bà Đàm Thu Trang, con dâu bà Loan, không sở hữu cổ phiếu nào tại công ty.
Em gái bà Loan là bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt sở hữu gần 9,7 triệu cổ phiếu QCG, các em rể của bà Loan là ông Lưu Đình Phát sở hữu 2 triệu cổ phiếu và ông Hồ Viết Mạnh sở hữu 1,5 triệu cổ phiếu QCG.
Với việc cổ phiếu QCG tăng mạnh thời gian qua, giá trị tài sản trên sàn của các cổ đông Quốc Cường Gia Lai cũng tăng dựng đứng, tăng gấp rưỡi chỉ trong 1 tháng.
Diễn biến giá cổ phiếu QCG trong 1 tháng qua (Ảnh chụp màn hình).
Thanh khoản QCG trong tuần qua ở mức khá cao so với trước đó. Khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên trong tuần là 1,48 triệu cổ phiếu, tăng vọt so với mức giao dịch bình quân 814.500 cổ phiếu/phiên trong vòng 3 tháng.
Diễn biến tăng sốc của cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai trong bối cảnh công ty này vừa bị yêu cầu phải hoàn trả lại số tiền 2.882 tỷ đồng cho bà Trương Mỹ Lan.
Khoản tiền 2.882 tỷ đồng và 6 bất động sản
Trong phiên xét xử đại án Vạn Thịnh Phát chiều 11/4, theo phán quyết của HĐXX, bị cáo Trương Mỹ Lan lĩnh án tử hình cho 3 tội danh, có trách nhiệm bồi hoàn cho Ngân hàng SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17/10/2022, tương đương số tiền hơn 673.000 tỷ đồng.
HĐXX cho biết trong số 1.237 bất động sản bị kê biên, có 6 bất động sản của Công ty Cổ phần đầu tư Quốc Cường Gia Lai. Công ty này muốn được gỡ kê biên, nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với số bất động sản nêu trên.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng Quốc Cường Gia Lai đã nhận từ bà Trương Mỹ Lan gần 2.883 tỷ đồng. Do đó, để đảm bảo nghĩa vụ dân sự trong vụ án này của bà Lan, tòa tuyên khi nào Quốc Cường Gia Lai hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan thì được gỡ kê biên đối với 6 bất động sản đó.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã kiểm toán vừa được Quốc Cường Gia Lai công bố, dữ liệu báo cáo thể hiện, ngày 9/12/2020, công ty đã nộp đơn khởi kiện Công ty cổ phần Đầu tư Sunny Island ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) liên quan đến tranh chấp phát sinh từ hợp đồng hứa mua, hứa bán dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM.
Ngày 10/5/2023, VIAC phán quyết, Quốc Cường Gia Lai đã chấm dứt hợp đồng hứa mua, hứa bán dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển ký ngày 20/3/2017 với Đầu tư Sunny Island đúng theo quy định và buộc Sunny Island phải hoàn trả lại toàn bộ hồ sơ đền bù đất, giải phóng mặt bằng mà Sunny Island đã nhận theo biên bản giao nhận ngày 27/2017 và 17/7/2017.
Ngoài ra, việc Sunny Island giao hồ sơ đền bù đất, giải phóng mặt bằng khoảng 65ha nhận từ Quốc Cường Gia Lai cho SCB mà không có sự đồng ý bằng văn bản hoặc ủy quyền của công ty là vi phạm hợp đồng và vi phạm quy định của pháp luật, buộc Sunny Island hoàn trả cho Quốc Cường Gia Lai 50% phí trọng tại là 3,4 tỷ đồng.
Một phần xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè (Ảnh: Hữu Khoa).
Trong quá trình giải quyết yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài của Công ty Sunny, Tòa án đã nhận được ý kiến của Bộ Công an (Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) cho biết, hợp đồng hứa mua, hứa bán dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè giữa Sunny Island và Quốc Cường Gia Lai có liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB… mà Bộ Công an đang thụ lý điều tra.
Trong đó, các giấy tờ tài liệu liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng dự án nêu trên bao gồm: 301 bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất và 147 bản chính thỏa thuận bồi thường các thửa đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM là tài liệu chứng cứ của vụ án hình sự.
Như vậy, phán quyết của Hội đồng trọng tài tuyên buộc Công ty Sunny hoàn trả cho Công ty Quốc Cường Gia Lai toàn bộ hồ sơ đền bù đất, giải phóng mặt bằng là vi phạm Nguyên tắc cơ bản của Pháp luật Việt Nam được ghi nhận tại Khoản 4 Điều 3 Bộ luật Dân sự. Do đó, TAND TPHCM có cơ sở để chấp thuận yêu cầu của Sunny Island về việc hủy Phán quyết trọng tài vụ Tranh chấp ngày 10/5/2023 của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam. Theo đó, ngày 5/12/2023, TAND TPHCM đã đưa ra quyết định về việc hủy phán quyết trọng tài.
Tiền mặt còn hơn 28 tỷ đồng cuối năm 2023
Cũng theo báo cáo hợp nhất kiểm toán của Quốc Cường Gia Lai, tại thời điểm 31/12/2023, công ty có 28,5 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, giảm 48,4 tỷ đồng so với đầu năm ngoái. Tổng tài sản đạt 9.567,1 tỷ đồng vào cuối năm 2023, giảm 381,6 tỷ đồng.
Chiếm phần lớn giá trị trong tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai là giá trị hàng tồn kho với con số đạt 7.035,9 tỷ đồng, giảm 175,3 tỷ đồng. Giá trị bất động sản dở dang là 6.531,7 tỷ đồng, chủ yếu bao gồm các khoản chi phí tiền sử dụng đất, chi phí tư vấn thiết kế, chi phí xây dựng và chi phí khác liên quan trực tiếp đến các dự án: dự án Khu dân cư Phước Kiển, dự án Lavida, dự án Central Premium, dự án Marina Đà Nẵng và một số dự án khác.
Trong khi đó, giá trị hóa hàng bất động sản ở mức 463,7 tỷ đồng, bao gồm các dự án đã xây dựng hoàn thành, chủ yếu là dự án Chung cư Quốc Cường Gia Lai II – Lô A, dự án Decapella, dự án Chung cư Giai Việt và một số dự án khác.
Quốc Cường Gia Lai đã thế chấp một số hàng hóa bất động sản với giá trị ghi sổ xấp xỉ 28 tỷ đồng để đảm bảo cho các khoản vay tại Viecombank – chi nhánh Gia Lai và ngân hàng Liên doanh Việt Nga – chi nhánh Đà Nẵng.
Trong một diễn biến đáng chú ý, ngày 28/3, Hội đồng quản trị Quốc Cường Gia Lai đã ra nghị quyết thông qua chủ trương chuyển nhượng 31,39% cổ phần tại Công ty CP Quốc Cường Liên Á với mức giá khoảng 150 tỷ đồng.
Con số 2.882,8 tỷ đồng phải trả lại Công ty cổ phần Đầu tư Sunny Island được đề cập ở trên nằm trong số 4.275,2 tỷ đồng mà Quốc Cường Gia Lai phải trả ngắn hạn khác. Theo đó, công ty còn phải trả 272 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Bất động sản Hiệp Phúc; 152,8 tỷ đồng cho Công ty TNHH XD và Kinh doanh nhà Phạm Gia; 12,6 tỷ đồng cho Công ty CP Lyn Property.
Đáng chú ý, Quốc Cường Gia Lai có khoản phải trả ngắn hạn với loạt cá nhân bao gồm: Bà Nguyễn Thị Như Loan (94,7 tỷ đồng); ông Lầu Đức Duy (70,9 tỷ đồng); bà Lại Thị Hoàng Yến (16 tỷ đồng); ông Lại Thế Hà (20 tỷ đồng).
Quốc Cường Gia Lai còn phải trả 300 tỷ đồng cho Công ty CP Giải trí Đại dương Vũng Tàu; 83 tỷ đồng cho Công ty CP Thực phẩm và Nước giải khát A&B; cổ tức phải trả 194,7 tỷ đồng; các khoản khác 175,6 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả tại thời điểm cuối năm 2023 của Quốc Cường Gia Lai là 5.225,3 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn là 4.956,6 tỷ đồng (giảm gần 355 tỷ đồng).
Về kết quả kinh doanh, năm 2023, Quốc Cường Gia Lai khá chật vật để có lãi. Trong năm ngoái, công ty đạt 432,4 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 65,8% so với năm 2022. Mặc dù đã giảm mạnh chi phí bán hàng từ hơn 18 tỷ đồng xuống còn 2,4 tỷ đồng nhưng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vẫn khiêm tốn với mức 11,7 tỷ đồng, bằng 24,5% năm trước.
Công ty có lãi trước thuế hơn 5 tỷ đồng và lãi sau thuế vỏn vẹn 3,2 tỷ đồng, lần lượt bằng 11,4% và 10% kết quả đạt được trong năm 2022. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2023 âm gần 33 tỷ đồng trong khi năm 2022 cũng âm hơn 121 tỷ đồng.