Nhiều người cài đặt Cruise Control (tính năng kiểm soát hành trình) trên xe và yên tâm sẽ không bị vượt quá giới hạn tốc độ. Nhưng khi bị CSGT xử phạt mới “tá hoả” nhận ra không nên quá chủ quan và tin tưởng tuyệt đối vào tính năng này.
Thời gian vừa qua, trên nhiều diễn đàn ô tô rộ lên câu chuyện một tài xế bị CSGT phạt vì lỗi chạy quá tốc độ khi đã cài đặt tính năng kiểm soát hành trình (Cruise Control).
Cụ thể, một tài xế ở khu vực phía Nam chia sẻ mình vừa bị CSGT tại một huyện ở tỉnh Bình Phước phạt 900 nghìn đồng kèm theo trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe vì đi với tốc độ 58 km/h trên đoạn đường cho phép tốc độ tối đa 50 km/h. Đáng nói, người này trước đó đã cài đặt Cruise Control trên xe ở mức 50 km/h, thế nhưng vẫn “dính” phạt.
Câu chuyện này được chia sẻ trên các diễn đàn về ô tô đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt cùng nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề sử dụng Cruise Control của ô tô.
Trong đó, không ít người tỏ ý đồng cảm dẫn chứng ngay bản thân mình dù đã đi rất cẩn thận và để Cruise Control bằng đúng tốc độ cho phép nhưng khi CSGT bắn tốc độ vẫn ghi nhận dữ liệu đo cao hơn khá nhiều. Thậm chí không ít người tỏ ra hồ nghi về tính chính xác của thiết bị đo tốc độ chuyên dụng của CSGT.
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, một cán bộ của Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết, các thiết bị, phương tiện nghiệp vụ của CSGT nói chung và thiết bị đo tốc độ phương tiện nói riêng đều phải đảm bảo đúng chủng loại, đạt tiêu chuẩn, được kiểm định thường xuyên theo quy định.
“Ngoài dán tem kiểm định, các thiết bị này đều được cấp giấy chứng nhận kiểm định, đảm bảo tính pháp lý khi đưa vào sử dụng. Ngoài ra, việc kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị của lực lượng CSGT đều được các đơn vị chức năng thực hiện trên phần mềm chuyên dụng nên việc tự ý điều chỉnh, thay đổi các thông số là điều không thể. Do đó, người dân hoàn toàn có thể yên tâm về độ chính xác của các thiết bị này”, vị CSGT này chia sẻ.Tem kiểm định được dán trên một thiết bị đo tốc độ của CSGT. Ảnh: CSGT
Theo tìm hiểu, hình ảnh do máy đo tốc độ khi cung cấp để làm bằng chứng vi phạm đều tuân thủ theo các nguyên tắc như có dấu chấm đỏ (điểm ngắm bắn tốc độ) đúng vào xe vi phạm; rõ biển số xe vi phạm; tốc độ xe chạy thực tế tại thời điểm bị bắn tốc độ (có dấu – là bắn từ phía sau xe, phía trước không có); có thời gian (ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây) bắn tốc độ; có tọa độ nơi chụp được hình ảnh vi phạm; có điểm giằng – là cách thường gọi của vật, vị trí cố định ngoài thực tế (như cột km, biển báo, cột điện, nhà cửa…) để xác định vị trí của xe trên thực tế có đang đi trên đoạn đường hạn chế tốc độ không.CSGT sử dụng thiết bị đo tốc độ phương tiện trên đường. Ảnh: Đình Hiếu
Trên thực tế, nhiều người sử dụng ô tô cũng cho rằng, ngay cả khi các phương tiện đã cài đặt chế độ Cruise Control thì chiếc xe bị “vọt” quá tốc độ đã cài đặt là chuyện bình thường.
Giải thích về mặt kỹ thuật, kỹ sư ô tô Dương Trung Kiên – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ô tô Kiên Phong (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, hệ thống kiểm soát hành trình (Cruise Control) có chức năng tự động can thiệp và điều khiển các thiết bị điện tử trên xe nhằm ổn định tốc độ xe.
Khi người lái bật Cruise Control, cảm biến tốc độ xe sẽ truyền tín hiệu về bộ điều khiển ECU. Sau đó ECU sẽ truyền lệnh đến van chân không, van này kết nối trực tiếp với bướm ga và điều khiển độ mở bướm ga phù hợp. Nhờ đó mà xe sẽ tự động duy trì tốc độ được cài đặt. Khi hệ thống Cruise Control được kích hoạt, người lái có thể buông chân ga và điều khiển tốc độ hoàn toàn bằng nút tăng giảm được trang bị trên vô lăng. Chế độ này tự tắt khi nhấn nút “Cancel” hoặc đơn giản là tác động vào chân ga hoặc phanh.
Theo kỹ sư Kiên, chức năng của Cruise Control chỉ tác động đến ga tăng hay giảm chứ hoàn toàn không tác động đến chân phanh. Do đó, trong một số trường hợp như xuống dốc, chiếc xe có thể sẽ lao đi nhanh hơn tốc độ được set đến 10-15% mà hệ thống Cruise Control của xe không thể tính toán để tự giảm ngay được.
“Cruise Control phù hợp sử dụng trong điều kiện có thể duy trì một tốc độ ổn định trên quãng đường dài như khi chạy xe trên đường trường hay đường cao tốc, giúp tài xế rảnh chân và phần nào giúp chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu hơn. Tuy nhiên, đây không phải là tính năng giới hạn tốc độ một cách ‘thần thánh’, do vậy tài xế không nên chủ quan và tin tưởng tuyệt đối vào tính năng này, rất dễ vượt quá tốc độ và bị CSGT phạt nặng”, kỹ sư Dương Trung Kiên đưa ra lời khuyên.