Ngoài đèn tín hiệu giao thông, vạch kẻ đường cũng là một trong những phương thức chỉ dẫn người tham gia giao thông điều khiển xe.
Thế nào là vạch kẻ đường?
Vạch kẻ đường là một dạng báo hiệu cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nắm bắt. Tùy từng trường hợp, vạch kẻ đường có thể dùng độc lập hoặc kết hợp với các loại biển báo, đèn tín hiệu giúp nâng cao an toàn cho các phương tiện khi lưu thông trên đường. Để phân biệt vạch kẻ đường, người điều khiển phương tiện sẽ dựa vào vị trí sử dụng (vạch trên mặt bằng và vạch đứng), dựa vào hình dáng, kiểu (vạch kẻ liền và vạch kẻ đứt khúc)…
Trong trường hợp ở một nơi vừa có vạch kẻ đường vừa có cả biển báo thì người lái xe phải tuân thủ theo sự điều khiển của biển báo hiệu.
Bộ Giao Thông Vận Tải ban hành Điều lệ báo hiệu Đường bộ, trong đó có quy định về “Vạch kẻ đường” là một dạng báo hiệu đường bộ để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao An Toàn Giao Thông và khả năng thông xe.
Ngoài hệ thống biển báo giao thông thì vạch kẻ đường cũng là một dạng báo hiệu thông dụng và có nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay nhiều lái xe chưa nắm rõ ý nghĩa và quy luật của tất cả các loại vạch kẻ đường hình con thoi, mắt võng, xương cá hay vàng liền,.. Vì vậy, nhiều trường hợp vi phạm và bị CSGT phạt mà vẫn chưa biết được mình đã mắc phải lỗi gì, không hiểu lý do vì sao.
Theo quy định tại Phụ lục G, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT, các loại vạch kẻ đường quy định gồm: Dạng vạch đơn, nét đứt, dạng vạch đơn, nét liền, vạch đôi song song, liền nét, vạch đôi song song, một vạch liền, một vạch đứt nét.
Lỗi đè vạch được hiểu là lỗi được xác định khi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà để bánh xe đè lên hoặc lấn sang các loại vạch kẻ đường không được phép cắt qua.
Lỗi đè vạch năm 2024 bị phạt bao nhiêu?
Khi tham gia giao thông, lái xe thường xuyên mắc những lỗi đè vạch như sau:
– Đè vạch liền đường hai chiều
– Đè vạch xương cá
– Đè vạch liền trên cầu
– Đè vạch khi dừng đèn đỏ…
Đối với những vạch trên, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP sẽ thuộc hành vi vi phạm “Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường” với các mức xử phạt như sau:
– Đối với xe máy: Theo Điểm a khoản 1 Điều 6 mức phạt lỗi đè vạch kẻ đường 100.000 – 200.000 đồng và tước Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng theo Điểm c khoản 10 Điều 6 nếu gây tai nạn.
– Đối với ô tô: Theo Điểm a khoản 1 Điều 5 mức phạt lỗi đè vạch kẻ đường từ 300.000 – 400.000 đồng và tước Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng theo Điểm c khoản 11 Điều 5 nếu gây tai nạn.
– Đối với Máy kéo, xe máy chuyên dùng: Theo Điểm a khoản 1 Điều 7 mức phạt lỗi đè vạch kẻ đường từ 100.000 – 200.000 đồng. Nếu gây tai nạn sẽ bị tước Giấy phép lái xe (máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (xe máy chuyên dùng) từ 02 – 04 tháng theo Điểm b khoản 10 Điều 7.
Lỗi đè vạch CSGT có cần chứng minh bằng hình ảnh không?
Lỗi đè vạch kẻ đường CSGT có thể xử phạt khi trực tiếp phát hiện bằng mắt thường. Trong trường hợp, người vi phạm yêu cầu được xem hình ảnh, kết quả ghi, thu được về hành vi vi phạm thì CSGT phải cho xem nếu đã có hình ảnh, kết quả ghi thu được tại đó.
Trong trường hợp tại thời điểm xử lý, CSGT không thể cung cấp ngay hình ảnh thì phải lập biên bản tại thời điểm đó và ghi rõ việc chưa thể cung cấp hình ảnh ghi lại lỗi vi phạm. Đồng thời, hẹn người vi phạm đến trụ sở hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền để được cung cấp hình ảnh lỗi vi phạm.
Khi đến cơ quan chức năng phải có trách nhiệm phải cung cấp hình ảnh rõ ràng ghi lại lỗi vi phạm tại thời điểm bị dừng xe, sau đó mới được ra quyết định xử phạt đối với lỗi vi phạm.