Cuộc đua xe ô tô điện giá rẻ tại Việt Nam đang ngày càng nóng lên, nhiều doanh nghiệp phân phối đang tìm hướng đưa vào thị trường các mẫu xe ô tô có giá tương tự một chiếc xe máy, tăng tính cạnh tranh…
Trong thông báo mới được công bố, TMT Motors cho biết hãng đã thống nhất cùng liên doanh SGMW (SAIC, General Motors và Wuling) dự kiến đưa ra bản thương mại của Baojun E100, Baojun Yep 2023 và Baojun Yep Plus vào thị trường Việt Nam
Đặc biệt, với mẫu xe Baojun E100, TMT Motors đang đàm phán với đối tác SGMW dự kiến đưa sản phẩm thương mại phiên bản có khả năng thay thế dần xe 2 bánh gắn máy với mức giá dự kiến kèm theo pin dưới 150 triệu đồng. Theo giới thiệu, mẫu xe này ra mắt tại Trung Quốc vào tháng 7/2017 tại thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Baojun E100 được trang bị động cơ điện tạo ra công suất 39 mã lực và 110Nm mô-men xoắn cực đại, chiếc xe điện có thể di chuyển trong quãng đường dưới 200km cho một lần sạc.
TMT Motors tiền thân là Công ty Thương mại và Sản xuất vật tư Thiết bị giao thông vận tải. Hoạt động chính của công ty là sản xuất, lắp ráp và kinh doanh xe ô tô, phụ tùng các loại. TMT Motors từ lâu đã được biết đến là đơn vị có các sản phẩm xe tải nổi tiếng như Cửu Long, Tata, Howo, xe đầu kéo Sinotruk… có tải trọng lớn.
Gần đây nhất, TMT Motors gây chú ý khi tham gia vào thị trường xe bằng việc sản xuất, lắp ráp và phân phối mẫu xe điện Wuling Hongguang MiniEV tại thị trường Việt Nam. Được biết, Wuling Mini EV là mẫu xe điện cỡ nhỏ nổi tiếng của Trung Quốc, đạt danh hiệu “ô tô điện cỡ nhỏ bán chạy nhất thế giới 4 năm liên tiếp, kể từ năm 2020 đến hết năm 2023.
Tại Việt Nam, xe được sản xuất, lắp ráp bởi liên doanh TMT Motors và General Motors (GM) – (SAIC – WULING). Trong đó, liên doanh GM – (SAIC – WULING) cung cấp linh kiện, ủy quyền cho TMT Motors độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ô tô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam. TMT Motors đã phối hợp với các đại lý, chính thức khai trương hơn 20 đại lý Wuling ủy quyền tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tuy nhiên hoạt động buôn bán không mấy khả quan khi năm ngoái, công ty chỉ bán được vỏn vẹn 591 chiếc xe điện Wuling HongGuang MiniEV ra thị trường, bằng 11% so với kế hoạch doanh số 5.525 chiếc đặt ra trước đó.
Kết quả kinh doanh của TMT Motors cho thấy, hoạt động “lấn sân” này cũng chưa đem lại hiệu quả cao khi báo cáo tài chính bán niên 2024 đã qua soát xét, TMT Motors ghi nhận doanh thu đạt 1.332 tỷ đồng, giảm gần 14% cùng kỳ năm ngoái. Doanh số giảm không quá mạnh, nhưng giá vốn lại chiếm hơn 99% doanh thu, khiến lợi nhuận gộp thu về vỏn vẹn 9,6 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm nay, chi phí lãi vay hay bán hàng đã giảm đáng kể, nhưng với khoản lãi gộp “siêu mỏng”, TMT Motors báo lỗ sau thuế gần 99 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lỗ lớn nhất từ khi lên sàn của doanh nghiệp ô tô này.
Trước đó, quý 3/2024, TMT Motors ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 352 tỷ, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, TMT Motors báo lỗ trước thuế gần 93 tỷ đồng trong quý 3 – đi ngang so với mức lỗ cao nhất lịch sử hồi quý 2 liền trước. Kết quả này đưa mức lỗ 9 tháng đầu năm 2024 tăng lên tới gần 192 tỷ đồng, trái ngược khoản lãi hơn 2 tỷ trong cùng kỳ năm trước và mức thua lỗ chưa từng có tại doanh nghiệp này.
Theo giải trình từ phía TMT Motors, việc kinh doanh thua lỗ có nguyên nhân khách quan đến từ sự khó khăn chung của nền kinh tế, bất động sản, nguy cơ về lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu, thay đổi công nghệ khiến lượng tiêu thụ ô tô giảm sút. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là do chi phí tài chính tại TMT Motors quá cao trong nhiều năm qua và hàng tồn kho lớn, công ty cũng phát sinh thêm nhiều chi phí trong sản xuất kinh doanh.