( PHUNUTODAY ) – Việc lắp gương chiếu hậu giúp người điều khiển phương tiện có thể quan sát được hai bên một cách dễ dàng hơn. Luật hiện hành có quy định rõ về các hành vi sẽ bị xử phạt liên quan đến gương chiếu hậu.
Gương chiếu hậu là một phần không thể thiếu của các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy. Tác dụng chính của gương này là để người điều khiển phương tiện có thể quan sát được hai bên trái phải để tránh va chạm với các phương tiện khác. Trong khi ô tô phải có đủ 2 gương chiếu hậu hai bên thì xe máy có thể chỉ cần lắp một gương chiếu hậu.
Khoản 2 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định xe máy tham gia giao thông phải có đủ các bộ phận: Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực; Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực; Có bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe; Có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu; Có còi với âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật; Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển; Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường; Các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định.
Xe máy cần có gương chiếu hậu và luật có quy định về quy chuẩn về gương chiếu hậu đối với xe máy. Diện tích của bề mặt phản xạ của gương chiếu hậu không được nhỏ hơn 62cm2. Đường kính của bề mặt phản xạ không nhỏ hơn 94mm và không được lớn hơn 150mm với gương tròn. Xe phải có gương chiếu hậu ở bên tay trái nhưng tốt nhất là nên có đủ hai gương ở hai bên để có tầm quan sát tốt hơn, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Về xử phạt với lỗi không có gương chiếu hậu, điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao không có gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng.
Với lỗi không có gương chiếu hậu bên trái, người vi phạm sẽ không phải đến Kho bạc để nộp phạt mà có thể nộp trực tiếp cho Công an Giao thông. Ngoài ra, người xử phạt cũng sẽ không phải lập biên bản nhưng sẽ xé biên lai. Người vi phạm sẽ nhận biên lai này.