( PHUNUTODAY ) – Rất nhiều người quan tâm làm thế nào để lấy được bồi thường khi không may xảy ra tai nạn, hãy cùng tìm hiểu.
Có những loại bảo hiểm xe máy nào?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 03/2021/NĐ-CP, có hai loại bảo hiểm xe máy:
Loại 1: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) bắt buộc xe máy: Là loại bảo hiểm bắt buộc chủ xe máy, xe mô tô phải có khi tham gia giao thông theo quy định của Nhà nước. Khi có tai nạn xảy ra, bảo hiểm TNDS sẽ bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn do lỗi của chủ xe cơ giới (chứ không phải bồi thường cho chủ xe). Người bị tai nạn sẽ được bảo hiểm chi trả quyền lợi bồi thường cho những thiệt hại về người và tài sản do lỗi của chủ phương tiện gây ra theo đúng quy định của pháp luật. Người tham gia bảo hiểm sẽ không phải tự mình đền bù thiệt hại.
Loại 2: Bảo hiểm xe máy tự nguyện: Là loại bảo hiểm không bắt buộc. Người tham gia giao thông có thể mua thêm nhằm mang lại quyền lợi chi trả bồi thường tài chính về tài sản hoặc người ngồi trên xe (bao gồm chủ xe và người đi cùng) khi gặp tai nạn, sự cố cháy nổ hoặc trộm cướp.
Tùy vào loại hợp đồng bảo hiểm được ký giữa người mua và công ty bảo hiểm, đối tượng áp dụng, phạm vi trách nhiệm và mức bồi thường sẽ được quy định trong hợp đồng.
Chủ xe máy không mua bảo hiểm có bị phạt?
Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng.
Làm thế nào để được bồi thường bảo hiểm xe máy?
Căn cứ Điều 12, Điều 15 và Điều 16 Nghị định 03/2021 NĐ-CP, để nhận được tiền bồi thường bảo hiểm xe máy, khi xảy ra tai nạn, người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cần tiến hành những 5 bước sau:
Bước 1: Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về vụ tai nạn.
Thời hạn là 5 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng). Hình thức thông báo bằng văn bản hoặc hình thức điện tử.
Bước 2: Phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm giám định tổn thất.
Kết quả giám định phải lập thành văn bản có chữ ký của các bên liên quan vì đó là yếu tố quan trọng để làm cơ sở thực thi trách nhiệm bồi thường và nhận bồi thường.
Bước 3: Nhận tạm ứng bồi thường bảo hiểm (chỉ áp dụng với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng). Thời hạn được trả tiền tạm ứng trong 3 ngày làm việc kể từ ngày doanh nghiệp bảo hiểm nhận được thông báo về vụ tai nạn.
Trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại, gồm: 70% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/người/vụ đối với trường hợp tử vong. 50% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/người/vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.
Trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại, gồm: 30% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định trường hợp tử vong/người/vụ. 10% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/người/ vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.
Bước 4: Nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm.
Thời hạn yêu cầu bồi thường 1 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng.
Hồ sơ cần chuẩn bị:
Giấy tờ chứng minh nhân thân.
Tài liệu liên quan đến xe, người lái xe.
Giấy đăng ký xe hoặc chứng từ chuyển quyền sở hữu xe và chứng từ nguồn gốc xe (trường hợp không có giấy đăng ký xe).
Giấy phép lái xe.
Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác của người lái xe.
Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc.
Giấy tờ chứng minh thiệt hại.
Tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng: Bản sao của các cơ sở y tế hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính.
Hồ sơ bệnh án.
Các giấy tờ, hóa đơn, chứng từ liên quan đến chi phí phát sinh mà chủ xe cơ giới đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.
Các giấy tờ khác trong hồ sơ hợp lệ sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm thu thập.
Bước 5: Thời gian nhận tiền bồi thường bảo hiểm.
Thời hạn thanh toán bồi thường: Trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hợp lệ (trường hợp phải tiến hành xác minh hồ sơ là không quá 30 ngày).
Nếu từ chối bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo bằng văn bản về lý do từ chối bồi thường trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.