Vào lúc 10h ngày 18/2/2024, tại Km48+200 trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế, đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Theo đó, xe ô tô 07 chỗ ngồi mang BKS: 36A-485.67 va chạm với xe đầu kéo mang BKS: 63C-136.59 làm 03 người chết.
Trên một số diễn đàn mạng xã hội xuất hiện luồng ý kiến trái chiều về nguyên nhân vụ tai nạn đến từ sự chủ quan của tài xế vượt ẩu, khi vượt xe đầu kéo chưa đảm bảo khoảng cách an toàn và vượt sai quy định tại đoạn đường không được phép vượt. Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến cho rằng, khâu thiết kế hạ tầng giao thông tại vị trí xảy ra tai nạn đang bộc lộ nhiều vấn đề.
Hiện nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn đang được cơ quan công an điều tra làm rõ.
Rõ ràng lái xe trên đường cao tốc luôn đòi hỏi tài xế phải tập trung cao độ nếu không chỉ một sơ suất nhỏ cũng dẫn đến hậu quả khôn lường. Dưới đây là những lỗi cơ bản mà tài xế, đặc biệt là các tài mới rất dễ mắc dẫn đến tai nạn khi lái xe trên cao tốc.
Không giữ khoảng cách an toàn
Giữ khoảng cách với xe phía trước là một trong những kỹ năng cơ bản khi lái ô tô. Tuy nhiên nhiều tài xế vẫn còn chủ quan, lơi là trong việc lái xe.
Theo các chuyên gia an toàn giao thông, khoảng cách giữa 2 phương tiện đi cùng chiều tối thiểu từ 100-200m. Thông thường, ôtô dưới 9 chỗ ngồi chạy tốc độ 100km/h bất ngờ phanh gấp thì cần mất quãng đường hơn 50m mới có thể dừng lại. Đối với các phương tiện lớn hơn thì quãng đường phanh sẽ dài hơn. Do đó, việc giữ khoảng cách an toàn trên cao tốc còn giúp các phương tiện tránh được những vụ tai nạn liên hoàn.
Chuyển làn “quên” bật đèn xi nhan
Việc “quên” bật xi nhan khi chuyển làn trên cao tốc cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt là khi có phương tiện phía sau đang vượt lên. Lỗi này thường xuất hiện ở những tài xế mới. Bên cạnh đó, thói quen lười quan sát xung quanh cũng khiến tài xế giật mình đánh lái gấp khi gặp sự cố trước mặt.
Bên cạnh đó, nhiều tài xế cũng mắc lỗi chuyển nhiều làn đường cùng lúc. Đây hoàn toàn không phải là hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ, nhưng sẽ an toàn cho bạn nếu di chuyển từng làn và quan sát cẩn thận. Hơn nữa, việc đánh lái chuyển nhiều làn còn khiến người ngồi trong xe dễ bị nôn nao, chóng mặt.
Dừng xe trên làn khẩn cấp
Nhiều bác tài có suy nghĩ rằng, làn đường khẩn cấp trong cùng có thể thoải mái dừng lại nghỉ ngơi, hút thuốc, gọi điện thoại, ăn uống,… Tuy nhiên, đây là hành động hoàn toàn sai lầm, gây mất an toàn cho các phương tiện đang di chuyển trên cao tốc.
Lưu ý, làn khẩn cấp trong cùng chỉ dành cho các phương tiện bị hỏng hóc, còn nếu muốn làm việc cá nhân thì bạn cần phải tìm trạm dừng nghỉ phía trước.
Ra-vào cao tốc đột ngột
Nhiều bác tài thường nóng vội nhập vào làn cao tốc khi di chuyển từ đường dẫn. Điều này rất nguy hiểm bởi các phương tiện phía sau đang di chuyển ở tốc độ cao. Trong khi đó, xe nhập làn lại chưa đạt được tốc độ nhanh cần thiết nên rất dễ dẫn đến những tình huống tai nạn bất ngờ.
Tương tự, giống như khi vào cao tốc, khi ra khỏi cao tốc, lái xe cần chú ý quan sát biển báo để chuyển dần từ làn ngoài cùng vào làn trong, giảm về tốc độ phù hợp, sử dụng xi-nhan báo hiệu khi chuyển làn và nhập vào đường dẫn ra khỏi cao tốc.