Sau trận mưa lớn, hơn 60 chiếc xe máy bị nước nhấn chìm trong hầm chung cư mini ở Hà Nội. Vậy ai sẽ phải bồi thường thiệt hại?

Sự việc hơn 60 chiếc xe máy bị nhấn chìm trong tầng hầm của một chung cư mini tại xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) sau trận mưa kéo dài tối ngày 23/7 đang được nhiều người quan tâm. Nhiều người thắc mắc, sau sự việc này, các chủ phương tiện có được bồi thường thiệt hại? Ai phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các chủ xe?

Vụ hơn 60 chiếc xe bị nước nhấn chìm trong chung cư, ai sẽ phải bồi thường?- Ảnh 1.

 

Hơn 60 chiếc xe ngập chìm dưới nước. Ảnh: Phan Sinh.

Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, luật sư Nguyễn Văn Nam – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại khoản 1 điều 101 Luật Nhà ở 2014, phần diện tích chỗ để xe phục vụ cho chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư được xác định là tài sản riêng của các chủ sở hữu.

Tuy nhiên, thông thường hiện nay, các tòa nhà chung cư đều thuê một đơn vị có chức năng vận hành, quản lý, khai thác nhà chung cư cùng Ban quản trị Tòa nhà, trong đó đơn vị này có chức năng bảo quản, giữ gìn phương tiện giao thông cho các chủ sở hữu và chủ sở hữu phải thanh toán một khoản tiền chi phí dịch vụ cho các đơn vị này. Hay nói cách khác giữa các chủ sở hữu phương tiện và đơn vị vận hành tồn tại hợp đồng gửi, giữ tài sản, hợp đồng này được điều chỉnh bởi các quy định từ điều 554 đến điều 561 Bộ luật dân sự 2015.

Để làm rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong sự việc nêu trên, luật sư Nguyễn Văn Nam nêu quan điểm, cần làm rõ những chủ sở hữu chiếc xe có tồn tại quan hệ hợp đồng gửi giữ tài sản (là những chiếc xe) với đơn vị có chức năng trông giữ, quản lý tài sản hay không?

Trường hợp không tồn tại quan hệ hợp đồng gửi, giữ tài sản giữa chủ sở hữu với các đơn vị có chức năng quản lý, giữ tài sản thì chủ phương tiện phải tự chịu trách nhiệm về các thiệt hại đối với phương tiện của mình.

Vụ hơn 60 chiếc xe bị nước nhấn chìm trong chung cư, ai sẽ phải bồi thường?- Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Văn Nam.

Trường hợp có tồn tại hợp đồng gửi, giữ tài sản thì khi xảy ra việc mưa lớn, những đơn vị có chức năng giữ tài sản đã làm những công việc gì nhằm khắc phục hậu quả của việc mưa lớn? Nguyên nhân dẫn đến việc những phương tiện bị ảnh hưởng, hư hại? Những đơn vị này đã thực hiện hết trách nhiệm khi xảy ra sự cố hay chưa? Phương án khắc phục, xử lý sự cố khi mưa bão được đơn vị ban hành và thực hiện ra sao…

Trường hợp bên giữ tài sản làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ căn cứ theo khoản 2, Điều 556 Bộ luật Dân sự 2015, chủ xe có quyền yêu cầu bên trông xe phải bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp bất khả kháng. Như vậy, những đơn vị trông giữ xe có trách nhiệm phải bồi thường cho các chủ sở hữu phương tiện nếu việc xe bị ngập không thuộc trường hợp bất khả kháng.

Theo quy định tại khoản 1 điều 156 của Bộ luật dân sự 2015, sự kiện bất khả kháng được hiểu là: Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Nếu có căn cứ xác định việc mưa giông thuộc trường hợp bất khả kháng thì những đơn vị có chức năng trông giữ tài sản không có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại, hư hỏng của những phương tiện bị ngập nước.

Ngoài ra, hiện nay, các chủ phương tiện giao thông thường hay mua hợp đồng bảo hiểm đối với phương tiện giao thông của mình, trường hợp trong phạm vi thỏa thuận bảo hiểm có ghi nhận về việc đơn vị bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp phương tiện bị ngập nước thì khi này đơn vị bảo hiểm có trách nhiệm chi trả các khoản thiệt hại cho chủ phương tiện.