Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, VinFast cùng các doanh nghiệp trong nước sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu tự chủ sản xuất ô tô với tỉ lệ nội địa hóa lên đến 84%.
Trong chương trình Trên Ghế ngày 2-1-2025, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô Đại học Bách khoa Hà Nội, đã đưa ra những nhận định sâu sắc về công cuộc nội địa hóa sản xuất ô tô với cánh chim đầu đàn là VinFast.
Tăng tỉ lệ trên 80% nằm trong tầm tay
* Trong sự kiện tham quan nhà máy VinFast ngày 12-12-2024, VinFast đã công bố tỉ lệ nội địa hóa ô tô trên 60%. PGS nhận định như thế nào về kết quả này?
– Điểm ấn tượng nhất là nhà máy sản xuất khuôn. Đây là khâu khó nhất trong việc sản xuất ô tô.
Khi đã làm chủ được khuôn, các hãng sẽ rất linh hoạt trong việc chế tạo ra mẫu mới, làm thử nghiệm và đẩy nhanh quy trình sản xuất. Trước đây, mỗi lần cần chỉnh sửa khuôn, chúng ta phải gửi sang nước ngoài, sửa xong rồi gửi về nên rất bị động.
Khi VinFast đã làm chủ việc nội địa hóa nhà máy khuôn, việc tăng tỉ lệ lên 80% là trong tầm tay. Nếu tính kỹ hơn phần nội địa hóa nhà máy khuôn thì tỉ lệ sẽ còn cao hơn nữa.
* Ngoài giúp tối ưu thời gian, tăng tỉ lệ nội địa hóa còn có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình sản xuất?
– Tôi mới chỉ nói đến nhà máy khuôn, nhưng chúng ta cần phải nhìn xuyên suốt toàn bộ.
Bây giờ, về động cơ chúng ta cũng đã nội địa hóa hoàn toàn. Với khung vỏ, chúng ta cũng đã dập từ tôn tấm, tôn cuốn ra thành phẩm cuối cùng, và rất nhiều các sản phẩm khác.
Một điều đặc biệt ở VinFast, việc nội địa hóa này không đơn độc. Nhà máy ZF cũng nội địa hóa. Nhà máy này vốn sử dụng công nghệ của ZF – đơn vị cung cấp phụ tùng cho BMW và nhiều hãng xe nổi tiếng của Đức – nay cũng là nhà cung cấp nội địa hóa hệ thống khung gầm cho VinFast.
Khi đã tự chủ được việc thiết kế xe, VinFast sẽ giúp nhiều nhà thầu khác dễ tham gia vào hơn, tính lan tỏa sẽ rất lớn.
* VinFast cũng đã công bố kế hoạch tăng tỉ lệ nội địa hóa lên tới 84% trong 1-2 năm tới. Theo PGS, VinFast có thể làm được điều này không?
– Bây giờ tỉ lệ nội địa hóa đã hơn 60%. Còn 24% nữa, với sự đầu tư và các phương thức mà VinFast đang làm, họ hoàn toàn có thể làm được.
Thứ nhất, nội lực về đầu tư của VinFast tốt.
Thứ hai, ngoài nhà máy sản xuất pin đã có, VinFast cũng đang xây dựng nhà máy lớn hơn ở Hà Tĩnh. Đối với ô tô điện, nội địa hóa được việc sản xuất pin đã chiếm tỉ trọng rất lớn.
Thứ ba, VinFast có chính sách kêu gọi các nhà đầu tư, các nhà sản xuất công nghiệp khác đi cùng với mình. VinFast giống như con chim đầu đàn kéo tất cả các đơn vị khác trong chuỗi cung ứng đi lên.
VinFast không chỉ là nhà lắp ráp
* Vậy vì sao đến nay chỉ có VinFast có thể nâng cao tỉ lệ nội địa hóa sản xuất ô tô?
– Một hãng xe muốn nội địa hóa việc sản xuất không đơn giản.
Muốn tăng tỉ lệ nội địa hóa, họ phải đầu tư rất lớn để sản xuất khuôn mẫu. Nếu nhiều mẫu xe, hãng cần nhiều bộ khuôn. VinFast hiện nay có hơn 7.000 khuôn mẫu, tiêu tốn một số tiền rất lớn.
Trong khi đó, các hãng xe truyền thống đã có đơn vị riêng làm công đoạn này nên sẽ không cần sản xuất ở Việt Nam. Họ chỉ lựa chọn một số mẫu xe phù hợp với thị trường Việt Nam để lắp ráp.
Với VinFast, hãng xe Việt đang ở thế xây dựng từ đầu, đầu tư một cách bài bản và tập trung. Từ đó, khả năng nội địa hóa của VinFast sẽ tốt lên bởi vì tất cả các nhà cung cấp đều tập trung trong cùng một khu công nghiệp.
* VinFast đang khẳng định mình là nhà sản xuất, không phải nhà lắp ráp. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
– Điều này rất chính xác.
VinFast đã làm chủ dây chuyền từ thiết kế đến sản xuất, cung cấp sản phẩm thương mại ra thị trường và dịch vụ rất tốt. Tất cả tạo thành một chuỗi khép kín, không chỉ là khâu lắp ráp đơn giản.
Nếu chỉ lắp ráp xe thì chỉ cần một lượng lao động ở mức vừa phải, không cần lao động kỹ thuật cao. Nhưng với định hướng là nhà sản xuất ô tô, VinFast đã nâng cao trình độ người lao động để đáp ứng được yêu cầu công việc.
* Ông đánh giá thế nào về khả năng tự động hóa của nhà máy VinFast?
– Khi tham quan nhà máy VinFast, tôi thấy tất cả những dây chuyền sản xuất đều là nhà máy số. Hầu hết dây chuyền sản xuất của VinFast đang tự động hóa.
Để phân biệt một mẫu ô tô được sản xuất trên dây chuyền tự động hóa nhiều hay ít, chúng ta quan sát những bu lông trên xe xuất xưởng. Những bu lông được đánh dấu sơn đã vặn chặt là được thực hiện thủ công. Ngược lại, tại các nhà máy số, bu lông được vặn chặt bằng cờ lê lực tự động hóa nên sẽ không có dấu sơn. Đặc biệt, hệ thống treo của xe sẽ dễ quan sát các chi tiết này.
Thực tế quan sát, chúng ta nhận thấy số lượng những bu lông có dấu sơn trên xe VinFast là rất ít.
Bàn đạp tiến ra toàn cầu
* Việc VinFast nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, theo ông sẽ mang lại những lợi ích gì?
– Đầu tiên, khi phải làm chủ nhà máy số, chất lượng nguồn nhân lực phải nâng cao. Khi không còn làm ở VinFast, những người này chuyển sang các doanh nghiệp khác đều có trình độ cao hơn. Như vậy đất nước sẽ có một nguồn nhân sự mới trình độ cao, đã quen làm việc trong môi trường 4.0 hiện đại.
Với người tiêu dùng, họ được sử dụng những sản phẩm chất lượng hơn.
Với doanh nghiệp, họ sẽ có những sản phẩm chất lượng tốt hơn. Đặc biệt, họ có thể nâng cao tốc độ sản xuất, đẩy nhanh thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, tạo được niềm tin của người dùng. Ngoài ra, lợi nhuận của họ cũng sẽ tốt hơn.
Đối với các đối tác khác, các dây chuyền trong nhà máy VinFast có một phần đến từ các nhà thầu Việt Nam. Thông qua việc lắp đặt dây chuyền cho VinFast, doanh nghiệp Việt cũng lớn lên. Bây giờ Việt Nam đã có những doanh nghiệp đủ khả năng, năng lực để đấu thầu xây dựng các nhà máy ô tô trên thế giới.
Như vậy, ngoài VinFast, các nhà cung cấp Việt Nam khác sẽ cùng nhau tạo nên một chuỗi sản xuất 4.0. Họ cần nỗ lực và vươn mình để làm bàn đạp tiến ra toàn cầu.
* Cảm ơn PGS vì những chia sẻ này.