iệc lưu thông 200km qua cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết; Phan Thiết-Dầu Giây nhưng chưa có trạm dừng chân đã khiến rất nhiều người bức xúc.
Những ngày gần đây, mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một cầu thang được bắc vượt qua hàng rào của đoạn cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết để cho những người tham gia lưu thông leo qua “cầu vượt” này vào phía trong đi vệ sinh.
“Cầu vượt” tự phát trên cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết cho những người có nhu cầu dừng lại đi vệ sinh. Ảnh FB.
Được biết, cầu thang vượt hàng rào này nằm tại Km220+ 500 cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, thuộc địa phận xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Tại đây hoạt động như một trạm dừng chân nhỏ.
Cách “cầu vượt này” khoảng 3 cây số trước đây cũng có một “trạm dừng chân” tự phát với tấm bảng ghi dòng chữ lớn “Vệ sinh 0 đồng”. Phía trước quán này không đầu tư “cầu vượt” mà chỉ có một tấm ván nhỏ bắc qua mương thoát nước rồi dùng dây buộc hàng rào kẽm gai bảo vệ cao tốc để tạo khoảng trống một người lớn chui lọt giúp hành khách có thể chui vào đi vệ sinh, nghỉ ngơi.
Vệ sinh 0 đồng trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết. Ảnh AK.
Thời điểm này, hàng chục ngàn phương tiện từ miền Trung đang chạy cắn đuôi nhau về TPHCM thì các “trạm dừng chân” tự phát này đã nhận không biết bao nhiêu lời khen mặc dù họ đang làm trái qui định, mất an toàn giao thông.
Cũng dễ hiểu thôi bởi nếu vào cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết rồi sau đó tiếp tục lưu thông trên cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây xấp xỉ 200 cây số hoàn toàn không có một trạm dừng chân nào để lái xe, hành khách có thể dừng lại nghỉ ngơi, ăn uống, vệ sinh, đổ xăng dầu…
Trong khi các vị trí đặt trạm dừng chân trên hai tuyến cao tốc này đều đã được quy hoạch từ lâu nhưng đến nay chỉ toàn là cỏ dại mọc lút đầu người.
Đáng nói là từ năm 2012, Bộ GTVT đã có Thông tư 48/2012/TT-BGTVT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ.
Theo tiêu chuẩn của quốc gia về yêu cầu thiết kế đường cao tốc thì các tuyến cao tốc phải xây dựng các trạm dừng nghỉ cho người tham gia giao thông sử dụng. Cụ thể, trong khoảng từ 15-25km nên xây dựng một trạm dừng nghỉ bên ngoài phạm vi lề đường để các xe có thể đổ xăng hoặc nghỉ ngơi; trong khoảng từ 50-60km nên có một trạm phục vụ kĩ thuật (như cấp xăng,dầu,sửa chữa máy đơn giản,nghỉ ngơi dừng xe,ăn uống; có nơi nghỉ ngơi,vệ sinh) và khoảng cách từ 120-200km nên xây dựng một trạm dừng chân lớn…
Với khoảng 200km lưu thông nhưng không có một trạm dừng chân nào, đặc biệt là tuyến Vĩnh Hảo-Phan Thiết chỉ có 2 làn xe mỗi bên, thỉnh thoảng mới có dải dừng xe khẩn cấp, nếu dừng lại đi vệ sinh là vô cùng nguy hiểm.
Việc xây dựng hai tuyến cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây đưa vào sử dụng gần một năm qua nhưng không có trạm dừng chân nào cũng từng đã được đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận chất vấn tại nghị trường vào tháng 11-2023.
“Hiện nay đường cao tốc đi qua tỉnh Bình Thuận gần 200 km đi vào vận hành và lưu thông nhưng lại chưa bố trí trạm dừng chân. Theo phản ánh của người dân và cử tri, khi lưu thông trên tuyến đường cao tốc này, không biết phải “giải quyết nỗi buồn” như thế nào”, Đại biểu Thông chất vấn.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhận trách nhiệm trong việc chậm triển khai thực hiện các trạm dừng nghỉ. Người đứng đầu Bộ GTVT cho biết Bộ đã tiến hành đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư.
Trạm dừng chân trên cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây luôn quá tải.
Trước đó, Bộ GTVT đã có thông báo cho biết đã giao nhiệm vụ cho các ban quản lý dự án cùng tư vấn phối hợp với các địa phương triển khai thủ tục đầu tư, xây dựng hồ sơ danh mục dự án công trình để kêu gọi đầu tư đối với 8 trạm dừng nghỉ thuộc các dự án: Mai Sơn – quốc lộ 45, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây.
Được biết, việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư sẽ kéo dài từ 3 – 5 tháng và thời gian dự kiến để các nhà đầu tư hoàn thành thủ tục và triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ khoảng 9-12 tháng nữa…Và tất nhiên trong thời gian này, những người lưu thông trên các tuyến cao tốc trên sẽ phải tiếp tục ‘giải quyết nỗi buồn” theo các kiểu…không giống ai!