Dưới đây là 3 kiểu ăn bánh chưng giúp phụ nữ không bị tăng cân, tích mỡ.
1. Ăn bánh chưng kèm với nhiều loại rau xanh, hoa quả
Bánh chưng có chứa lượng tinh bột cao nhưng lại ít chất xơ, do đó tỉ lệ dinh dưỡng trong chúng chưa cân đối. Theo ThS. Trịnh Hồng Sơn, chị em khi ăn bánh chưng nếu không muốn tăng cân thì cần bổ sung thêm rau, củ quả để cung cấp đủ vitamin và khoáng chất.
Lượng chất xơ trong rau xanh, hoa quả giúp thúc đẩy thực phẩm tiêu hóa nhanh hơn, như vậy mỡ thừa sẽ không bị tích tụ; đồng thời giúp cơ thể no lâu, giảm thiểu nhu cầu ăn uống.
Ngoài ra, ăn bánh chưng nên ăn kèm với dưa góp, hành muối sẽ kích thích tiêu hóa, giúp không bị đầy bụng.
2. Ăn 1 miếng bánh chưng, giảm 1 bát cơm
Theo ThS. Trịnh Hồng Sơn chị em nếu lo ngại tăng cân nhiều khi ăn bánh chưng ngày Tết thì nên giảm bớt một bát cơm so với thông thường. Ngoài ra, khi ăn bánh chưng vẫn nên bổ sung thêm cá, thịt lượng vừa phải và nên hấp, luộc thay vì chiên, rán để giúp chuyển hóa bột đường được nhanh hơn và không bị ngán.
3. Chỉ ăn bánh chưng vào ban ngày, không ăn buổi tối
Bánh chưng được làm từ gạo nếp, khó tiêu, do đó không nên ăn vào buổi tối.
Việc ăn bánh chưng rán vào buổi tối sẽ càng nghiêm trọng hơn bởi bánh chưng rán sẽ ngấm thêm nhiều dầu mỡ, sẽ làm tăng cân, gây tích mỡ bụng và không tốt cho các bệnh nhân cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh thận, người bị bệnh lý dạ dày… do bánh chưng rán khó tiêu, gây đầy hơi, chướng bụng.
Những người không nên ăn bánh chưng
Người bị bệnh tiểu đường
Bánh chưng vốn là món ăn giàu năng lượng, có đầy đủ đường, đạm, béo, vitamin, chất khoáng. Do đó, người mắc bệnh tiểu đường không nên ăn nhiều vì sẽ gây tăng đường huyết, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Người bị đau dạ dày
Trong bánh chưng có gạo nếp và đỗ xanh, đây là 2 nguyên liệu thực phẩm có thể gây ra những cơn đầy bụng, ợ chua, khó tiêu. Vì vậy, những người có tiền sử đau dạ dày không nên ăn loại bánh này nếu không muốn tình trạng bệnh thêm trầm trọng.
Người béo phì
Là loại bánh được làm từ các nguyên liệu giàu chất béo và dinh dưỡng, nên không phải ai cũng có thể thưởng thức món bánh tuyệt ngon này, trong đó có người tiền sử béo phì.
Theo các chuyên gia, những ai đang trong tình trạng thừa cân, béo phì nên hạn chế ăn bánh chưng để đảm bảo sức khỏe, tránh để tích lũy thêm mỡ thừa.
Người hay bị mụn nhọt
Thành phần của bánh chưng chủ yếu là gạo nếp, có tính nóng, những người hay bị mọc mụn, nhọt cũng nên cân nhắc khi ăn loại bánh này.
Người cao huyết áp
Trong mỗi chiếc bánh chưng truyền thống đều phải đảm bảo đủ vỏ và nhân, vỏ bằng gạo nếp, nhân làm bằng đỗ và thịt lợn mỡ.
Do vậy, những người cao huyết áp khi ăn loại bánh có nhiều mỡ này sẽ làm tăng tiết axit dịch vị, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Người bị bệnh tim mạch
Như đã nói ở trên, bánh chưng rất giàu dinh dưỡng và là một nguồn năng lượng dồi dào, trên 200kcal/100g, loại bánh này cũng cung cấp cả thực vật, động vật và chất béo.
Bởi vậy, những người tiền sử bệnh tim mạch không nên ăn bánh chưng, vì sẽ khiến cơ thể tích lũy nhiều chất béo, ảnh hưởng xấu tới tim mạch.
Người bị bệnh thận
Do là loại thực phẩm giàu năng lượng, nhiều chất béo, nên những bệnh nhân bị bệnh thận không nên ăn loại bánh này để tránh bị rối loạn mỡ máu, gây tăng mỡ máu và các vấn đề về thận.
Ngoài ra, bánh chưng cũng là món ăn được liệt kê vào số những món có chứa nhiều muối, ảnh hướng xấu tới những người đang mắc bệnh thận.
Theo các chuyên gia, khi ăn bánh chưng người dân nên ăn kèm với rau xanh, củ quả để tránh bị nóng và khó tiêu.
Ngoài ra, những người bị bệnh mãn tính cũng tuyệt đối không nên ăn bánh chưng, có thể kể như: Người bị mỡ máu không nên ăn bánh chưng mặn, người bị tiểu đường không ăn bánh chưng ngọt và không nên ăn bánh chưng nguội đối với những người có chức năng tỳ vị không tốt.