Dù Nguyễn Xuân Son bị chấn thương nặng khi đã gãy 2 xương ở chân, nhưng cầu thủ này sẽ không phẫu thuật ở Thái Lan mà được đưa về Việt Nam điều trị.
Liên quan đến việc điều trị chấn thương của tuyển thủ bóng đá quốc gia Nguyễn Xuân Son, theo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), tiền đạo trên sẽ được đưa về nước điều trị.
Dự kiến trong chiều nay (6/1), Nguyễn Xuân Son sẽ về đến Việt Nam và được đưa đến Bệnh viện Vinmec Times City để tiến hành phẫu thuật.
Thông tin này khiến nhiều người hâm mộ đặt câu hỏi: Vì sao Nguyễn Xuân Son không được phẫu thuật ngay ở Thái Lan, khi cầu thủ này được xác định đã gặp phải chấn thương nặng trong trận đấu chung kết lượt về AFF Cup 2024.
Cụ thể, ở phút 32, Nguyễn Xuân Son trong nỗ lực chuyền bóng cho đồng đội đã ngã khá mạnh xuống mặt sân Rajamangala (Bangkok, Thái Lan). Cú ngã này khiến phần dưới chân phải của Xuân Son bị gập.
Nguyễn Xuân Son sau đó được đưa lên xe cấp cứu đến thẳng bệnh viện tại Bangkok (Thái Lan). Kết quả chụp phim tại đây cho thấy, nam tuyển thủ bị gãy xương ống đồng và gãy xương mác.
Hình ảnh chụp phim xương ống đồng bị gãy của Xuân Son (Ảnh: T.B).
Quảng cáo của DTads
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Trần Chí Khôi, công tác tại khoa Chi dưới, bệnh viện ở TPHCM cho biết, dựa vào hình ảnh trên sân và ảnh chụp X-quang, chấn thương của Nguyễn Xuân Son được chẩn đoán là gãy kín 1/3 giữa 2 xương cẳng chân phải.
Với tình trạng này, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng cách kết hợp xương mác bằng nẹp ốc, đóng đinh nội tủy kín có chốt xương chày.
Về lý do tại sao Xuân Son không cần phẫu thuật ngay mà có thể về nước điều trị, bác sĩ Khôi phân tích, trong khám và chữa bệnh sẽ có hai tình huống chính.
Thứ nhất là phẫu thuật cấp cứu. Đây là tình trạng bệnh lý hay chấn thương nếu để lâu sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân hay gây nặng thêm tình trạng của bệnh lý.
Ví dụ như tình trạng nhồi máu cơ tim, viêm ruột thừa hay chấn thương vỡ gan, lách, thận, bệnh nhân cần can thiệp phẫu thuật càng sớm càng tốt. Hay khi bệnh nhân rơi vào tình huống bị chấn thương sọ não có khối máu tụ, cũng cần phải mổ cấp cứu để lấy khối máu tụ ngay.
Với lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, nếu bị gãy xương hở có chảy máu, chèn ép khoang hay tổn thương mạch máu, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cấp cứu để cầm máu hoặc cứu chi bị chấn thương.
Tình huống thứ hai là phẫu thuật chương trình, có quy chế hội chẩn của tập thể y bác sĩ, nhằm đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân về thời điểm, phương pháp và phương tiện phẫu thuật.
Song song đó, ekip điều trị sẽ đặt ra nhiều tình huống ngoài ý muốn (gọi là tiên lượng) để có kế hoạch điều trị dự phòng cho bệnh nhân.
Trong trường hợp của Nguyễn Xuân Son, nam cầu thủ bị gãy kín 2 xương cẳng chân, không tổn thương thần kinh mạch máu, không có nguy cơ đe dọa chèn ép khoang. Việc di chuyển bệnh nhân không làm nặng thêm tình trạng bệnh lý, và năng lực y tế Việt Nam có thể điều trị tốt chấn thương như thế này.
Bác sĩ Ngô Văn Quốc, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) thông tin thêm, trong tình huống bệnh nhân bị chấn thương gây hở, lộ xương ra ngoài da mới cần mổ cấp cứu, xử lý vết thương sớm, tránh nguy cơ bệnh nhân diễn tiến nhiễm trùng.
Ngược lại, khi bệnh nhân bị gãy xương kín, hoặc đứt dây chằng nhưng không có lỗ rò vào trong ổ khớp, bệnh nhân sẽ được điều trị nội khoa, dùng kháng viêm, giảm đau trước, sau đó lên lịch mổ chương trình. Do đó, việc đưa Nguyễn Xuân Son về nước điều trị trong tình trạng nêu trên là phù hợp.
“Nguyễn Xuân Son nên về nước để điều trị ở chuyên khoa Y học thể thao, vì ngoài phẫu thuật còn quá trình phục hồi chức năng sau mổ”, bác sĩ Quốc nói.
Bài viết hay? Ấn để tương tác