Những viên đá mát lạnh tưởng chừng vô hại trong ly nước uống mỗi ngày lại ẩn chứa cả một quy trình sản xuất đầy bất thường.
Lời tòa soạn:
Đá viên lạnh dùng giải khát có thể là mắt xích nguy hiểm trong chuỗi thực phẩm hàng ngày nếu được sản xuất từ nguồn nước không đảm bảo và quy trình thiếu kiểm soát.
Giới thiệu là khách hàng có nhu cầu nhập và làm xưởng sản xuất đá lạnh, nhóm phóng viên Báo Lao Động đã thâm nhập vào các xưởng sản xuất đá viên tại nhiều quận nội thành Hà Nội, nơi viên đá được hình thành giữa ẩm thấp, gỉ sét, bởi những bàn tay trần không trang bị bảo hộ…
Hệ thống làm đá cáu bẩn
Hà Nội, giữa mùa hè nắng đổ lửa, đá viên trở thành mặt hàng không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày. Tại các quán cà phê, quán ăn đá viên lạnh luôn là mặt hàng được săn đón.
Trong vai khách hàng muốn nhập đá số lượng lớn, phóng viên đến xưởng đá Tuyết Tuyết, số 46 An Dương, Tây Hồ, được giới thiệu là cơ sở sản xuất đá lạnh quy mô lớn.
Bên trong xưởng làm đá lạnh Tuyết Tuyết (46 An Dương, Tây Hồ). Ảnh: Nhóm PV
Người tự nhận là quản lý của xưởng đá lạnh Tuyết Tuyết giới thiệu: “Giá ở đây là cao nhất Hà Nội, vì đầu tư đàng hoàng, hệ thống lọc RO tiền tỉ nên khách cứ yên tâm dùng”.
Quản lý của xưởng làm đá Tuyết Tuyết trong cuộc trao đổi với PV. Ảnh: Nhóm PV
Bước qua cánh cửa xưởng, tiếng máy móc gầm gào trong không gian ẩm thấp, tường rêu mục nát, nền đất đọng nước nhầy nhụa. Đá được đưa ra từ hệ thống băng chuyền kim loại đã gỉ sét.
Hệ thống dàn máy và trần nhà làm đá đã hoen gỉ, cáu bẩn và mất vệ sinh… Các nhân viên đều không mặc trang bị bảo hộ lao động, không dùng găng tay khi đóng gói đá viên. Thứ đồ phòng hộ duy nhất mà họ mang là đôi ủng để tránh ướt do sàn nhà quá ẩm thấp.
Nhân viên tại xưởng làm đá Tuyết Tuyết không có đồ bảo hộ, không găng tay khi đóng gói đá viên. Ảnh: NHÓM PV
Nhiều khu vực bên trong xưởng làm đá Tuyết Tuyết mất vệ sinh, sàn nhà ẩm ướt. Ảnh: NHÓM PV
Thắc mắc về những khâu vệ sinh hầu như không được sử dụng trong toàn bộ quá trình sản xuất, một người đàn ông, tự xưng là quản lý của cơ sở thản nhiên trả lời: “Làm đá quan trọng ở máy móc, chứ quần áo bảo hộ các thứ chỉ là chuyện nhỏ. Ở đây là an toàn nhất rồi, đá làm bằng nước ngầm, qua lọc. Ở các xưởng quanh đây, người ta còn dùng nước trực tiếp từ sông Hồng, ao chuôm không lọc. Từ xưa đến nay làm gì có ai uống nước đá mà chết đâu, làm như này là quá đảm bảo rồi”.
Tận thấy hệ thống hút nước giếng khoan làm đá viên
Để tìm hiểu về quy trình sản xuất đá lạnh, trong vai người có nhu cầu mở xưởng, PV có mặt tại cơ sở sản xuất đá sạch Lương Trần Hà, tại số 19, ngõ 376 đường Bưởi (quận Ba Đình, Hà Nội), sản phẩm của cơ sở này có tên ICE COOL 88. Tại đây, thực trạng đáng báo động trong quy trình sản xuất đá viên tiếp tục bị phơi bày.
Trong căn nhà lụp xụp, một số máy móc sơ sài cùng 1 gác xép chỉ vỏn vẹn khoảng 30m2, cơ sở này có thể cung cấp hàng ngàn túi đá cho khắp nơi tại Hà Nội
Xưởng làm đá viên tại ngõ 376 đường Bưởi nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Nhóm PV
Ông Hoàn (tên nhân vật đã thay đổi), chủ cơ sở này không chỉ trực tiếp sản xuất mà còn nhận “thi công trọn gói” các xưởng làm đá cho khách hàng có nhu cầu.
“Trung bình mỗi nhà máy sản xuất đá lạnh, vốn đầu tư rơi vào khoảng 1 tỉ đồng. Máy làm đá nhà mình được đầu tư hơn 1 tỉ đồng, công suất khoảng 4.000 túi/ngày. Nhưng thực chất các bạn không cần phải đầu tư đến mức như vậy. Vì nếu làm ở tỉnh khác mà không phải ở Hà Nội, chỉ cần số lượng xuất ra khoảng 2.000 túi/ngày thôi”, ông Hoàn tư vấn.
Chỉ cần quan sát bằng mắt thường, tại thời điểm ghi nhận ở xưởng làm đá này, 3 nhân viên làm việc liên tục trong không gian chật hẹp. Tất cả đều tay trần, không trang bị đồ bảo hộ.
Nhân viên xưởng đá tại ngõ 376 đường Bưởi không có đồ bảo hộ, dùng tay trần đóng gói, vận chuyển đá viên. Ảnh: Nhóm PV
Đá lạnh sau khi ra khỏi máy được cho vào túi nilon, đóng gói bằng tay không. Xung quanh là những vật dụng lộn xộn, thùng phi ố vàng, nền gạch mục nát, cống thoát nước lộ thiên nằm ngay trong khu vực sản xuất.
Về giấy tờ pháp lý để vận hành xưởng đá lạnh, chủ cơ sở sản xuất đá ở ngõ 376 đường Bưởi cho biết, tất cả phải làm theo quy chuẩn về mặt giấy tờ, cơ sở nào cũng như nhau nên không cần quá lo lắng.
“Quan trọng là phải sản xuất làm sao để viên đá đạt tiêu chuẩn. Cái này, tôi sẽ hướng dẫn, còn nếu trong quá trình sản xuất, nhân viên nào sai thì mình xử lý sau”, ông Hoàn nói và cũng thừa nhận, nhân viên tại đây đều đang thực hiện sai quy trình sản xuất khi không có ai đội mũ, đeo găng và mặc đồ bảo hộ.
Ông Hoàn, chủ cơ sở sản xuất đá viên tại ngõ 376 đường Bưởi trong cuộc trao đổi với PV. Ảnh: NHÓM PV
Được đánh giá là “khách hàng tiềm năng”, nhóm phóng viên (PV) được ông Hoàn đích thân dẫn đi tham quan khu vực sản xuất, giới thiệu là hệ thống do chính tay ông Hoàn thiết kế và lắp đặt.
Theo giới thiệu của ông Hoàn, cơ sở sản xuất do ông sở hữu có 2 phần, trên gác xép là hệ thống máy lọc đã nhiều phần hoen rỉ, 2 bể chứa nước ngầm màu trắng ngả vàng. Theo ông Hoàn leo cầu thang lên gác xép PV phải rất cẩn thận mới không trượt ngã vì chật hẹp, nhiều phần đã xuống cấp, mục nát.
Không gian xưởng làm đá ẩm thấp, chật chội. Ảnh: Nhóm PV
Dọc theo lối đi, hàng chục bình chứa hóa chất và các thùng phi lớn đổi màu, ố vàng, xếp ngổn ngang. Ông Hoàn giải thích đó là “axit chanh”, một chất phụ gia được sử dụng trong quá trình làm đá.
Nói về những thùng nước này, ông Hoàn cho biết, đây là một “nguyên liệu” không thể thiếu trong quá trình sản xuất đá sạch, nhất là với các loại đá sản xuất từ nước ngầm.
Theo tìm hiểu, trong sản xuất đá tinh khiết, axit citric (còn gọi là axit chanh, ký hiệu E330) thường được sử dụng với mục đích tẩy cặn canxi, magiê trong hệ thống thiết bị, chứ không phải là chất được thêm vào đá thành phẩm.
Theo nghiên cứu đăng trên Journal of Environmental Chemical Engineering, cho trực tiếp axit chanh vào nước làm đá là không cần thiết và có thể gây hiểu nhầm về mục đích sử dụng. Các cơ sở sản xuất đá sạch đạt chuẩn thường kết hợp lọc nước RO, tiệt trùng bằng tia UV và ozone để đảm bảo đá thành phẩm tinh khiết, an toàn cho sức khỏe người dùng.
Trong xưởng để la liệt nhiều bình chứa hóa chất và thùng phi phục vụ quá trình sản xuất đá viên số lượng lớn. Ảnh: Nhóm PV
Bể chứa nước phía trên tầng hai phủ một lớp nước đục ngầu, được che chắn sơ sài bằng vài tấm gỗ ván mỏng. Khi được hỏi về nguồn nước sử dụng, ông Hoàn không ngần ngại thừa nhận: “Nước này được hút từ giếng khoan ngay dưới nền đất”.
Bể chứa nước phía trên tầng hai của cơ sở này, nước đục ngầu, được che chắn sơ sài bằng vài tấm gỗ ván mỏng. Ảnh: Nhóm PV
Theo tiết lộ của những người trong nghề, đối với đá lạnh càng lắm tạp chất, chứa nhiều kim loại lại càng lâu tan.
“Nước càng tinh khiết đá càng tan nhanh còn nếu trong nước mà còn chứa nhiều kim loại, tạp chất thì đá giữ nhiệt càng tốt. Hiện nay có nhiều nơi bán đá tan rất chậm, không phải họ có công nghệ gì ghê gớm mà là do nước chưa xử lý kỹ, còn chứa quá nhiều tạp chất, đặc biệt là kim loại nặng”, ông Hoàn tiết lộ.
Người đàn ông này cũng nói thêm, không chỉ cơ sở tại đây mà phần lớn các xưởng làm đá ở Hà Nội hiện nay đều đang sử dụng nguồn nước giếng khoan để tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, theo ông Hoàn, trong bản công bố chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm khi sản xuất đá sạch gửi cho cơ quan chức năng, các cơ sở đều phải sử dụng nguồn nước gọi là “thủy cục”. Đây là danh từ chung trong sản xuất đá lạnh được thống nhất trong quy định của pháp luật.
Ông Hoàn giải thích, “thủy cục” chính là nước máy mà người dân vẫn sử dụng hằng ngày. Nguồn nước này được các công ty cấp nước lấy từ các nguồn tự nhiên như sông, hồ, suối. Sau khi được bơm về nhà máy, nước sẽ trải qua một quá trình xử lý phức tạp gồm nhiều giai đoạn.
Dù trên giấy tờ là sử dụng nguồn nước “thủy cục”, nhưng thực tế, hệ thống giếng khoan, hút nước từ lòng đất để làm đá viên vẫn hoạt động ngày đêm tại cơ sở này.
Cứ như vậy, mỗi ngày, các cơ sở sản xuất đá lạnh lớn nhỏ tại Hà Nội đã cung cấp vào thị trường hàng chục nghìn túi đá phục vụ nhu cầu tiêu dùng khổng lồ vào mùa hè.
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, khẳng định một hệ thống lọc nước sử dụng công nghệ RO (thẩm thấu ngược) đạt chuẩn có khả năng loại bỏ hầu hết các tạp chất, bao gồm khoáng chất, vi khuẩn, vi trùng và các chất độc hại trong nước. Nước sau lọc gần như đạt mức tinh khiết.
Tuy nhiên, hiệu quả này chỉ đạt được nếu thiết bị là hàng chính hãng, chất lượng tốt, màng lọc đảm bảo tiêu chuẩn. Các loại máy lọc RO trôi nổi trên thị trường hoặc sử dụng màng lọc kém chất lượng (để giảm giá thành sản xuất, nâng cao lợi nhuận) sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.
“Nếu nguồn nước bị nhiễm kim loại nặng như asen, mangan hoặc sắt, đều là các chất thường tồn tại trong nước ngầm thì nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe là rất cao. Nhiều người lầm tưởng rằng nước nhìn trong là nước sạch, nhưng thực tế, các tạp chất vô cơ độc hại vẫn có thể tồn tại”, PGS.TS Trần Hồng Côn cảnh báo thêm.