Giọng hát Thanh Nga được đánh giá là vô cùng đặc biệt tuy không quá kỹ thuật nhưng lại mang âm sắc riêng dễ nhận biết, dày và có sức nặng, rất truyền cảm, phù hợp với lối ca tự sự, một mạc, chân phương, chất chứa cảm xúc.
Nghệ sĩ Thanh Nga tên thật là Nguyễn Thị Nga, sinh năm 1942 tại Tây Ninh, là con gái của ông Nguyễn Văn Lợi (tức ông Hội đồng Lợi) và bà Nguyễn Thị Thơ (tức bà bầu Thơ).
Cha là một quan chức có điều kiện kinh tế, mẹ lại là người mê cải lương nên Thanh Nga từ nhỏ đã được rèn dũa về các ngón nghề ca hát, vũ, cầm kỳ thi họa, từ đó sớm bộc lộ năng khiếu, đam mê nghệ thuật. Thanh Nga lớn lên trong sự đầy đủ, giáo dục kỹ lưỡng từ cha mẹ.
Bà bầu Thơ là người rất nghiêm khắc nên từ sớm đã rèn con gái vào khuôn khổ. Bản thân Thanh Nga cũng thừa hưởng tư chất cha mẹ, nên ngay khi mới lớn đã xinh đẹp bội phần, lại có cốt cách thanh thoát, quý phái, mềm mại, đúng chất “con nhà nghệ”, đến từng dáng đi, cử chỉ cũng chuẩn mực.
Sau khi ly hôn với ông Hội đồng Lợi, bà bầu Thơ gá nghĩa với ông Năm Nghĩa, một thầy giáo mê cải lương. Hai vợ chồng dắt các con lên Sài Gòn, lập ra đoàn Thanh Minh (do đoàn lập vào tiết thanh minh).
Dù bà bầu Thơ quan niệm không lập gánh hát để lăng xê con cháu, đứa nào có thực lực mới cho hát nhưng Thanh Nga lại sớm trở thành ngôi sao sáng giá của đoàn nhờ tài năng và nhan sắc hiếm thấy.
Từ lúc 10 tuổi, Thanh Nga bắt đầu ca vọng cổ phụ họa và rất thành công trên sân khấu Thanh Minh và được mọi người chú ý.
Năm 12 tuổi, bà vào vai bé Nghi Xuân trong vở Phạm Công – Cúc Hoa, gây một chút tiếng vang.
Tài năng nở rộ từ sớm, năm 1958, Thanh Nha khi ấy mới 16 tuổi đã đạt giải Thanh Tâm (một giải thưởng lớn của cải lương). Cô vụt lên thành ngôi sao sáng của làng cải lương miền Nam nhờ hội tụ đầy đủ thanh sắc của một đào hát.
Cũng từ sự kiện này mà đoàn Thanh Minh đổi tên thành Thanh Minh – Thanh Nga, cho thấy rõ tầm ảnh hưởng của Thanh Nga với đoàn hát này, như một linh hồn không tách rời. Từ đây, đoàn Thanh Minh Thanh Nga vươn lên thành một trong những đoàn hát lớn nhất thời điểm bấy giờ, quy tụ nhiều nghệ sĩ hàng đầu.
Cũng trong thời gian này, Thanh Nga được NSND Phùng Há (người được mệnh danh là Tổ nghề sống của cải lương) nhận làm học trò, ra sức truyền dạy hết mọi kinh nghiệm, kỹ năng từ ca hát tới diễn xuất. NSND Phùng Há nhận định về học trò: “Mấy em sau này, chưa ai diễn bằng Thanh Nga”.
Giọng hát Thanh Nga được đánh giá là vô cùng đặc biệt, tuy không quá kỹ thuật nhưng lại mang âm sắc riêng dễ nhận biết, dày và có sức nặng, rất truyền cảm, phù hợp với lối ca tự sự, một mạc, chân phương, chất chứa cảm xúc. Bà là người đạt tới cảnh giới diễn bằng giọng hát, hát và thoại trên sân khấu hòa làm một đầy nhịp nhàng, uyển chuyển, thể hiện được vô vàn sắc thái, lúc ủy mị, mùi mẫn, đau thương, lúc lại hùng dũng, uy nghi, lẫm liệt…
Kỹ năng diễn xuất, biểu cảm gương mặt, điều khiển động tác, ánh mắt của Thanh Nga được đánh giá là xuất thần, hiếm ai làm được. Mỗi khi đứng trên sân khấu, bà đi lại, nói năng, thể hiện mọi động tác đều tinh tế, có ý đồ cụ thể, không thừa thãi. Thanh Nga có thể chuyển biểu cảm từ hai sắc thái trong một phân đoạn ngắn vô cùng nhanh và mượt.
Những năm 1960 – 1970, Thanh Nga được coi là “nữ hoàng” trên sân khấu cải lương miền Nam, đoạt tới hai giải Thanh Tâm. Bà như cơn bão sân khấu, bá chủ phòng vé, được vô số khán giả, đàn em ái mộ, cứ hễ diễn ở đâu là cháy vé tới đó. Khán giả nô nức mua vé tới rạp chỉ để được thấy Thanh Nga diễn.
Hơn 20 năm hoạt động nghệ thuật, tên tuổi Thanh Nga gắn liền với nhiều vở cải lương gây tiếng vang, trải dài mọi thể loại, từ tuồng lịch sử, cổ trang tới tuồng xã hội, hiện đại như Tiếng trống Mê Linh, Nửa đời hương phấn, Bên cầu dệt lụa, Phụng Nghi đình, Thái hậu Dương Vân Nga, Tiếng sóng Tiêu Tương… Trong đó, các vai nữ tướng, nữ anh hùng đã trở thành đỉnh cao sân khấu Thanh Nga đạt tới, mà đến nay vẫn chưa đàn em nào vượt qua.
Ngoài cải lương, Thanh Nga cũng tham gia đóng nhiều phim ảnh. Thanh Nga từng nhận giải Diễn viên xuất sắc nhất tại Đại hội Điện ảnh Á châu tổ chức năm 1974, với vai cô gái Huế trong phim Nắng chiều. Là đại diện gương mặt nữ duy nhất trong đoàn tham dự Đại hội Điện ảnh Ấn Độ năm 1969.
Khi Thanh Nga qua đời vì bị ám sát vào năm 1978, khán giả cả nước bàng hoàng thương tiếc bà. Người dân khắp nơi đổ về Sài Gòn để tiễn đưa Thanh Nga, nối dài một con đường.
Năm 1984, bà là nữ nghệ sĩ đầu tiên dù đã qua đời nhưng vẫn được truy tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú trong đợt xét tặng đầu. Tới năm 2005, tên Thanh Nga cũng được chọn cho một con đường.
Đến tận bây giờ, gần nửa thế kỷ đã đi qua nhưng tên tuổi Thanh Nga vẫn có sức hút kỳ lạ với khán giả. Nhiều thế hệ khán giả trẻ tìm hiểu và ái mộ Thanh Nga. Các lớp nghệ sĩ trong nghề vẫn kính trọng và coi Thanh Nga như một tấm gương để học hỏi.