Kết phim Tiếng Sét Trong Mưa lên sóng với án tử hình dành cho Khải Duy (Cao Minh Đạt) đã ấn định. Thân xác anh đã được hỏa táng, đem về đặt tại bàn thờ tổ tiên nhưng khán giả vẫn chưa thôi tiếc nuối anh chàng Soái ca của truyền hình miền Tây. Thế nhưng, càng nuối tiếc, chúng ta càng cần phải đối mặt với câu hỏi rằng cái chết của Khải Duy liệu có thực sự cần thiết. Rất nhiều khán giả đã tranh cãi xung quanh việc nam thần Khải Duy liệu có thực sự đáng chết hay không?
Khải Duy bị giải ra pháp trường xử tử.
Khải Duy biết sớm muộn gì mình cũng sẽ bị bắt. Anh không hề chống cự, ở yên một chỗ chờ quan lính đến vây bắt. Vào tù, người đàn ông cao ngạo cũng không cầu xin gì nhiều, chỉ xin thêm vài phút cuối cùng bên Thị Bình (Nhật Kim Anh), người con gái anh yêu mãi mãi. Để rồi sau đó, Khải Duy lên bước nặng nề, khuất sau những bức tường. Hàng loạt tiếng súng vang lên kết liễu cuộc đời của một tên quái vật coi mạng người như cỏ rác.
Khải Duy hiện hồn về tạm biệt người thân.
Tới đây, sự ra đi của Khải Duy có lẽ là điều gây “chấn động” nhất đối với những người yêu mến Tiếng Sét Trong Mưa. Ai cũng đau buồn nhưng điều này lại chia khán giả thành hai nhóm. Một nhóm mong đợi sự hồi sinh của Khải Duy, để anh được sống hạnh phúc bên Thị Bình, có cái kết cổ tích. Ngược lại, nhóm khán giả khác lại cho rằng Khải Duy chết là phải đạo trời. Những gì anh gây ra có lẽ phải trả bằng mạng sống.
Nhiều khán giả đã bày tỏ sự thương tiếc với cái chết của Khải Duy. Phe đầu tiên, mong đợi rằng Khải Duy sẽ được… sống lại. Thậm chí, có fan còn mong rằng Khải Duy sẽ được đầu thai, ban cho một cuộc đời mới để làm lại từ đầu. Trong khi đó, những ý kiến khác lại lên tiếng phản đối quyết định của đạo diễn Phương Điền. Cho rằng còn có những người ác hơn cả Khải Duy, mà tại sao không bị đi “bán muối”?
Khán giả phân tích rõ ràng và hy vọng Khải Duy được ban cho một cuộc đời mới.
Ngược lại, một số khán giả lại có vẻ tỉnh táo hơn. Những ý kiến này nhắc lại những việc Khải Duy đã phạm phải. Phần lớn, mọi người đều phân tích rõ ràng tại sao có người phải sống để chịu tội, còn Khải Duy phải chết mới trả đủ nợ nần. Cơ bản vì anh vốn là kẻ coi thường mạng sống của người khác, số lượng sinh linh chết dưới tay Khải Duy có lẽ đã vượt qua con số 102 (100 công nhân cộng với Lũ, anh người hầu làm chết gà của Khải Duy). Đã từ lâu, Khải Duy đã không còn khái niệm trân trọng mạng sống người khác nữa. Theo tôn chỉ của Tiếng Sét Trong Mưa, ác giả ác báo, quay đầu là bờ. Ai kịp thời ăn năn hối cải sẽ được sống tuy vẫn phải trả giá. Kẻ nào kiên quyết sai tới cùng thì hẳn nhiên phải bị diệt trừ. Có ý kiến đã chỉ ra một điểm quan trọng về Khải Duy, đó là đến cuối đời anh vẫn không nghĩ mình là kẻ đã phạm sai lầm. Anh đổ lỗi cho mẹ.
Như vậy, thật ra Khải Duy vẫn chưa thực sự hối cải, hoặc chưa thể đối mặt với tội lỗi của mình. Vậy thì tính ra, nếu đã không còn thuốc chữa và tình yêu của Thị Bình chỉ có tác dụng “nâng đỡ” tạm thời cho Khải Duy, tính ra để anh sống tiếp thực sự là một dạng hậu họa.
Khán giả phân tích rõ ràng tội lỗi của Khải Duy.
Khán giả cố gắng lý giải cho sự tàn ác của Khải Duy.
Có ý kiến phân tích sâu vào việc tại sao bà hội đồng được sống, còn Khải Duy thì không. Ở đây chỉ ra rằng bà Hội đã biết sám hối thực sự. Dành cả phần đời còn lại đi bù đắp cho những nạn nhân của mình, trong khi con trai bà thì không. Ngược lại, tuy được sống, bà Hội vẫn phải gánh chịu những tin dữ động trời. Những người bà yêu thương hơn cả sinh mạng đều lần lượt ra đi. Tính ra, với một người như bà Hội thì đó cũng là một bản án kinh khủng, thà chết còn hơn sống tiếp khi vào lúc cuối đời, người thân chẳng còn nữa.
Một ý kiến phân tích khá rõ ràng về bà Hội.
Thực ra, Khải Duy vẫn có thể sống tiếp nhưng với điều kiện anh phải trả giá cho những lỗi lầm mình gây ra. Ví dụ như sống cả đời nuôi đứa con trùng huyết do Phượng – Thanh Bình sinh ra (anh em ruột cưới nhau sẽ sinh ra con cái bị trùng huyết) chẳng hạn. Hoặc chứng kiến Thị Bình chết lần nữa ngay trước mắt mình v.v… Có muôn vàn cách để khiến Khải Duy phải trả giá cho lỗi lầm của mình. Nhưng Tiếng Sét Trong Mưa muốn đưa ra một thông điệp nhân văn, kẻ ác phải bị diệt trừ.
Cuộc chiến vô tận giữa thiện – ác không bao giờ có chuyện cái ác chiến thắng. Kẻ coi thường mạng người, đến chết vẫn cố chấp như Khải Duy nếu có được cái kết hạnh phúc bên Thị Bình, con cái thì quá là trái đạo lý trời đất từ xưa đến nay. Xin hãy nhớ, một mạng sống của Khải Duy mất đi là để bù đắp cho hơn 102 sinh mạng trước đây đã bị anh ta cướp mất.