Theo quy định mới, người điều khiển xe máy trên 125 phân khối sẽ phải sử dụng bằng lái hạng A.

Ngày 27/6, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Gần như toàn bộ điều khoản trong luật này sẽ chính thức được áp dụng từ 1/1/2025.

Luật Trật tự, an toàn giao thông gồm 9 chương, 89 điều, có một số điểm mới so với quy định hiện hành. Một trong những điều được người dân quan tâm là về hạng giấy phép lái xe áp dụng với xe hai bánh.

Xe máy trên 125 phân khối sử dụng bằng A

Điều 57 của Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ quy định như sau:

Điều 57. Giấy phép lái xe

1. Giấy phép lái xe bao gồm các hạng sau đây:

a) Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh đến 125 cmhoặc có công suất động cơ điện đến 11 kW;

b) Hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh trên 125 cmhoặc có công suất động cơ điện trên 11 kW và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;

c) Hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;

d) Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500 kg; các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B có kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg;

đ) Hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3.500kg đến 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 có kéo theo rơ mooc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B;

e) Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1;

[…]

Theo quy định hiện hành, GPLX hạng A1 sẽ được cấp cho xe có dung tích xy lanh đến 175 cm3, người điều khiển sẽ phải thi để được cấp GPLX hạng A2 (thường được gọi là “bằng lái xe phân khối lớn) nếu muốn điều khiển xe có dung tích xy lanh trên 175 cm3.

Tuy nhiên, khi quy định mới được áp dụng, giới hạn của bằng A1 được thu hẹp xuống xe có dung tích đến 125 cm3, hoặc xe máy điện có công suất cực đại tới 11 kW. Nếu muốn điều khiển xe có dung tích hoặc công suất lớn hơn thì sẽ phải dùng bằng A.

Có cần đổi GPLX để sử dụng xe phân khối lớn?

Tại Chương IX, Điều 88 quy định về hiệu lực thi hành: “Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, trừ khoản 3 Điều 10 của Luật này [quy định về nồng độ cồn khi điều khiển xe tham gia giao thông] có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2026.”

Song, người dân cần lưu ý rằng GPLX hạng A1 và A2 được cấp trước ngày này vẫn có thể được sử dụng bình thường, không cần cấp đổi nếu không có nhu cầu. Điều này đã được nêu rõ trong quy định, cụ thể như sau:

Điều 89. Quy định chuyển tiếp

1. Giấy phép lái xe được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trên Giấy phép lái xe.

2. Giấy phép lái xe được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nếu chưa thực hiện đổi, cấp lại có hiệu lực sử dụng như sau:

a) Giấy phép lái xe hạng A1 được tiếp tục điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3 hoặc có công suất động cơ điện từ 04kW đến dưới 14kW;

b) Giấy phép lái xe hạng A2 được tiếp tục điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên hoặc có công suất động cơ điện từ 14kW trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

c) Giấy phép lái xe hạng A3 được tiếp tục điều khiển xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 quy định tại điểm a khoản 2 Điều này và các xe tương tự;

d) Giấy phép lái xe hạng A4 được tiếp tục điều khiển máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg;

[…]

Từ 1/1/2025, điều khiển Honda SH phải dùng 'bằng lái xe phân khối lớn'- Ảnh 1.

GPLX hạng A1 và A2 được cấp với giá trị không thời hạn. Ảnh: Thái Hà

GPLX hạng A1 và A2 hiện được cấp với giá trị không thời hạn, nhưng khi thực hiện cấp đổi (giả sử trong trường hợp bị thất lạc), người dân sẽ được cấp đổi sang hạng giấy phép tương ứng, được quy định rõ tại khoản 3 Điều 89 như sau:

Điều 89. Quy định chuyển tiếp

[…]

3. Trường hợp người có giấy phép lái xe đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành khi đổi, cấp lại được thực hiện như sau:

a) Giấy phép lái xe hạng A1 được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng A với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh đến 175 cmhoặc có công suất động cơ điện đến 14kW;

b) Giấy phép lái xe hạng A2 được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng A;

c) Giấy phép lái xe hạng A3 được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B1;

d) Giấy phép lái xe hạng A4 được đổi, cấp lại sang chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng;

[…]

4. Người học lái xe đã được đào tạo lái xe trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành hoặc đang được đào tạo lái xe tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành chưa được sát hạch, cấp giấy phép lái xe thì được sát hạch, cấp giấy phép lái xe theo hạng quy định tại khoản 3 Điều 89 Luật này.

[…]

Hiện nay, trên thị trường bày bán nhiều mẫu xe phổ thông có dung tích xy lanh trên 125 cm3. Những mẫu xe này có thể nêu như Honda Winner X, Yamaha Exciter 155, Honda SH160i, Vespa Sprint 150…

Theo quy định mới, chủ sở hữu những mẫu xe này nếu chưa có GPLX trước ngày 1/1/2025 thì sẽ cần GPLX hạng A để có thể điều khiển xe hợp pháp. Khi được cấp GPLX hạng A, chủ xe cũng được phép điều khiển những mẫu xe có phân khối lớn hơn.