6 năm qua, đội tuyển Việt Nam gắn liền với sơ đồ 3 trung vệ, nhưng rất có thể HLV Kim Sang-sik sẽ thay đổi công thức này.
Công thức của đội tuyển Việt Nam
Trước khi HLV Kim Sang-sik tiếp quản ghế chỉ đạo, sơ đồ 3 trung vệ là “đặc sản” của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo và Philippe Troussier.
Khi ông Park mới nắm quyền, đội tuyển Việt Nam vẫn đang vận hành với công thức 4-2-3-1, hầu như chưa từng đá sơ đồ 3 trung vệ. Nhà cầm quân người Hàn Quốc cũng sử dụng sơ đồ 4 hậu vệ trong trận ra mắt gặp Afghanistan.
Tuy nhiên khi nắm quyền ở U.23 Việt Nam và tham dự trận giao hữu với Ulsan Hyundai nhằm chuẩn bị cho giải U.23 châu Á 2018, đã có bước ngoặt khiến ông Park thay đổi.
Hàng thủ đội tuyển Việt Nam suy yếu khi Quế Ngọc Hải (số 3) chấn thương
ĐỘC LẬP
Sơ đồ 4 hậu vệ khiến U.23 Việt Nam bị đối thủ dồn ép trong cả hiệp 1, thua 0-2. Sang hiệp 2, khi ông Park thử nghiệm công thức 3 trung vệ, U.23 Việt Nam mới chơi tốt trở lại, gỡ hòa 2-2, để rồi chỉ thua bàn quyết định ở phút bù giờ.
Chia sẻ với báo chí, HLV Park Hang-seo nhận định: công thức 3 trung vệ, tức là tăng quân số cho trung lộ khi phòng ngự, sẽ phù hợp hơn với cầu thủ Việt Nam.
Hai sơ đồ 3-4-3 và 3-5-2 sau đó đưa U.23 Việt Nam bước lên đỉnh cao với ngôi á quân châu lục, tạo điều kiện để HLV Park Hang-seo mang công thức này lên đội tuyển Việt Nam.
Khi ông Park đang thành công ở đội tuyển Việt Nam, ông Troussier cũng nắm đội U.19. Nhà cầm quân người Pháp cũng áp dụng sơ đồ 3 trung vệ, nhằm giúp các cầu thủ trẻ thuận đường hơn nếu sau này khoác áo đội tuyển quốc gia.
Bùi Hoàng Việt Anh (số 20) chưa thể gánh vác hàng thủ
NGỌC LINH
Trong 1 năm ngắn ngủi huấn luyện đội tuyển Việt Nam, HLV Troussier thử nghiệm nhiều cầu thủ, nhưng sơ đồ cũng chỉ xoay quanh 3-4-3 hoặc 3-5-2, tương tự người tiền nhiệm. 6 năm qua, các cầu thủ đã quen với cách vận hành này. Song, có thể mọi thứ sẽ thay đổi với ông Kim Sang-sik.
Luồng gió mới của HLV Kim Sang-sik
Trong cuốn sách “Chúng ta là Việt Nam”, ông Park nêu rõ một trong những điều kiện để vận hành sơ đồ 3 trung vệ, đó là các cầu thủ cần có sức mạnh, tốc độ, khả năng tranh chấp tay đôi tốt.
Giai đoạn vàng son của bóng đá Việt Nam trong 5 năm liền gắn bó với bộ ba trung vệ Quế Ngọc Hải, Đỗ Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng, với những kỷ lục phòng ngự ấn tượng thiết lập ở AFF Cup hay vòng loại World Cup. Cả 3 trung vệ đều đáp ứng đủ điều kiện để thiết lập hàng thủ 3 người vững chãi.
Ngoài ra, hai cầu thủ chạy cánh đều phải có nền tảng thể lực ổn định, có thể lên công về thủ bền bỉ. Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Trọng Hoàng là gương mặt tiêu biểu.
Tuy nhiên, mọi sơ đồ đều chỉ có thể vận hành với nhân tố phù hợp. Nếu áp dụng “bình cũ” mà “rượu mới” không đủ đáp ứng, thất bại là tất yếu.
HLV Kim Sang-sik dự khán tại V-League
Chất lượng cầu thủ Việt Nam hiện tại có đáp ứng những điều kiện nói trên không, giai đoạn cuối của HLV Troussier với 6 trận thua liên tục đã mang tới cho ông Kim Sang-sik thước đo rất giá trị.
Quả thực sơ đồ 3 trung vệ từng đưa đội tuyển Việt Nam lên đỉnh cao, nhưng khi cầu thủ không còn đáp ứng được yêu cầu, sự cố chấp chỉ dẫn đến thất bại.
HLV Kim Sang-sik khó chỉnh sửa kỹ thuật, nâng cấp thể lực hay sức chiến đấu cho cầu thủ chỉ trong vài ngày huấn luyện ngắn ngủi. Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, đó là việc của các CLB. “Cầu thủ cần xây dựng nền tảng cơ bản ở đội bóng chủ quản, còn HLV đội tuyển quốc gia không có nghĩa vụ phải đào tạo họ”, ông Xương nhấn mạnh.
Nhiệm vụ của HLV Kim Sang-sik là sử dụng sơ đồ phù hợp nhất để thúc đẩy học trò và khắc chế đối thủ. Khi còn huấn luyện Jeonbuk Hyundai Motors, ông Kim là tín đồ của công thức 4 hậu vệ. Những sơ đồ quen thuộc của ông Kim là 4-2-3-1 (ưu tiên chắc chắn) và 4-3-3 (kiểm soát và tấn công). Mùa giải 2022, HLV Kim Sang-sik chỉ áp dụng sơ đồ 3 trung vệ ở 3 trận, trên tổng số 38 trận ở K-League của Jeonbuk.
Do đó, đội tuyển Việt Nam có thể sẽ chơi 4 hậu vệ. Đây dẫu sao vẫn là sơ đồ “tủ” của hầu hết các đội V-League, nên đội tuyển Việt Nam sẽ sớm thích nghi.