NSƯT Hoàng Phúc Dzĩ sinh năm 1944, được xem là một trong những nghệ sĩ đầu tiên có công gây dựng sân khấu kịch câm ở Việt Nam. Đối với đạo diễn, NSƯT Trần Lực, nghệ sĩ kịch câm Hoàng Phúc Dzĩ là thần tượng. NSƯT Trần Lực cho biết những năm 1970 anh được xem và mê mẩn những tiết mục kịch câm của nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ.
“Nếu không sang Bulgaria học tôi sẽ theo anh học kịch câm và có khi thành tài ở lĩnh vực này. Năm 2016 tôi mời anh về dạy kịch câm cho sinh viên lớp diễn viên K33b, anh đã nhận lời nhưng sát đến ngày lên lớp anh báo bị thoát vị đĩa đệm phải nghỉ vận động… Lớp K33b không có duyên với thầy Phúc Dzĩ như tôi thuở xưa”, NSƯT Trần Lực tiếc nuối.
Nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ qua đời sáng 12/12.
NSƯT Hoàng Phúc Dzĩ công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ từ năm 1982-2004. Nhà hát Tuổi trẻ là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam tổ chức lớp đào tạo cơ bản về kịch câm. Thời điểm đó kịch câm mới xuất hiện tại Việt Nam với quy mô khiêm tốn.
Nhà hát ca múa nhạc T.Ư theo đuổi loại hình kịch câm đầu tiên, sau đó đến lượt Nhà hát Tuổi trẻ. Diễn viên kịch nói Phúc Dzĩ được Bộ Văn hóa lựa chọn gửi sang Pháp theo học 3 năm với mong muốn “đón đầu” bộ môn sân khấu đầy tiềm năng này.
Sau khóa học NSƯT Phúc Dzĩ trở về làm giảng viên chính của lớp trung cấp kịch câm do Nhà hát Tuổi trẻ mở năm 1982. Khóa học thành công đào tạo nhiều tên tuổi của làng kịch câm sau này như Kế Đoàn, Bích Ngọc, Tuyết Hậu, Phương Phương…
NSƯT Hoàng Phúc Dzĩ trên sân khấu.
Các nghệ sĩ kịch câm của Nhà hát Tuổi trẻ luôn ghi được dấu ấn riêng. Vở kịch câm Thi sĩ hủi của nhà hát đã giành huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1995. Tiết mục Mặt nạ do nghệ sĩ Phúc Dzĩ dàn dựng từng tham gia một liên hoan sân khấu quốc tế tại Iran và được khán giả yêu thích.