Nguyễn Công Phượng tha thiết xin HLV Troussier vào tập chiều 18/3 nhưng nhà cầm quân không cho.
Công Phượng tái phát chấn thương cổ chân từ ngày 16/3. Anh bỏ lỡ 2 buổi tập liên tiếp của đội tuyển Việt Nam. Đến trưa 18/3, Công Phượng trao đổi với bộ phận y tế rằng anh chỉ còn đau nhẹ và có thể tham gia vào buổi tập trong chiều cùng ngày.
Ban đầu, HLV Troussier muốn trao cơ hội cho cậu học trò. Ông cảm nhận được khát khao cống hiến của Nguyễn Công Phượng. Tuy nhiên, bộ phận y tế trực tiếp kiểm tra chấn thương của tiền đạo này và báo lại thông tin xấu. Cầu thủ sinh năm 1995 khó có khả năng ra sân với thể trạng tốt nhất.
Đến sát giờ tập, HLV Troussier động viên Công Phượng và không để anh vào sân.
Công Phượng chia tay đội tuyển Việt Nam.
Công Phượng là người cuối cùng nói lời chia tay đội tuyển Việt Nam. Trước đó, các đồng đội khác như Duy Mạnh, Tuấn Dương, Hai Long hay Tiến Anh sớm rời khỏi đại bản doanh của đội tuyển.
Thực tế, việc tái phát chấn thương của Công Phượng không phải điều quá bất ngờ. Ngày 2/3, tiền đạo quê Nghệ An vừa gặp chấn thương cổ chân trong buổi tập cùng Yokohama FC. Sau quá trình tập vật lý trị liệu, anh có thể trở lại sân cỏ và tập cùng đồng đội.
Nhưng khi trải qua một quãng đường di chuyển dài, có sự thay đổi về cường độ tập luyện, mặt sân chơi bóng, Công Phượng đối diện rủi ro gặp chấn thương. Anh lỡ cơ hội thi đấu cho đội tuyển quốc gia sau 9 tháng vắng mặt.
Trước đó, HLV Troussier cất công sang Nhật Bản kiểm tra phong độ của học trò rồi mới ra quyết định triệu tập. Ông cần cậu học trò ra sân trong 2 trận đấu sắp tới, nhất là khi Tuấn Hải gặp chấn thương và các tiền đạo còn lại không có phong độ ổn định.
Đội tuyển Việt Nam lên đường sang Indonesia vào ngày 19/3. Thầy trò ông Troussier có 2 buổi tập trước khi bước vào trận đấu trên sân Gelora Bung Karno vào ngày 21/3. Mục tiêu của đội tuyển Việt Nam là giành được 1 điểm trên sân khách và tìm kiếm chiến thắng trên sân nhà.