Bức tượng của một vị hòa thượng đã được khắc họa tỉ mỉ và chân thực đến từng chi tiết như tóc, nếp nhăn, vết đồi mồi…khiến nhiều người nhầm tưởng là người thật

Theo đó, pho tượng đặc biệt này hiện đang được đặt tại gian Quan âm chùa Quán Sứ (Hà Nội). Được biết đây là tượng hoà thượng Thích Thanh Tứ, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, người từng trụ trì ở chùa Quán Sứ. Pho tượng có kích cỡ như người thật và tạo hình vô cùng chân thực khiến ai nhìn thấy cũng không khỏi ngỡ ngàng.

Theo Vietnamnet, Chính Thượng toạ Thích Thanh Tuấn đã trực tiếp sang Thái Lan 8 lần để tham gia quá trình hoàn thiện bức tượng. Pho tượng được phục dựng theo tỉ lệ 1:1, làm theo nguyên mẫu của hòa thượng Thích Thanh Tứ lúc sắp viên tịch. Các nghệ nhân làm nhiều công đoạn tỉ mỉ nhằm tạo tác nên pho tượng này như: đắp cốt đất, đắp bằng sáp hóa học và bỏ cốt đất đi.

Một điều vô cùng đặc biệt nữa của pho tượng này chính là tóc thật của Hoà thượng Thích Thanh Tứ khi còn sống đã được sử dụng để gắn lên tượng sáp: “Khi Hoà thượng Thích Thanh Tứ còn sống, chính tay tôi đã cắt tóc của Hoà thượng Thích Thanh Tứ để cất đi làm kỷ niệm. Trong quá trình làm tượng, những người thợ ở Thái Lan đã phải lấy kim để cắm từng sợi tóc thật lên bức tượng”, Thượng toạ Thích Thanh Tuấn chia sẻ với Vietnamnet.

Những chi tiết chân thực đến khó tin của pho tượng.

Thời điểm đưa bức tượng từ Thái Lan về Việt Nam, do không thể vận chuyển bằng đường hàng không nên đoàn rước tượng phải di chuyển bằng ô tô qua Lào và chuyển về theo cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh). Luc này, nhân viên hải quan thậm chí còn nhầm lẫn bức tượng là người thật nên đã đòi…kiểm tra hộ chiếu

Vietnamnet đưa tin, Thầy Thích Thanh Tuấn cho biết khi qua cửa khẩu ở Lào, nhân viên hải quan nhìn thấy một vị hòa thượng ngồi tụng kinh trên xe nên bắt đoàn dừng lại. Họ yêu cầu lí giải, tại sao đoàn có 5 người mà chỉ có 4 hộ chiếu, yêu cầu xuất trình hộ chiếu để kiểm tra an ninh.

Được biết hòa thượng Thích Thanh Tứ có thế danh là Trần Văn Long, sinh năm 1927. Người xuất gia tu hành từ năm 12 tuổi và tích cực theo truyền thống yêu nước “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã sớm giác ngộ, tích cực tham gia hoạt cách mạng.

Người cũng có nhiều đóng góp trong việc thống nhất các hệ phái, đi đến thống nhất các tổ chức Phật giáo trong cả nước vào ngày 7/11/1981. Hòa thượng Thích Thanh Tứ cũng từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo hội và là đại biểu Quốc hội khóa XI và XII.