Chợ tết Bến Thành 1972, người đi mua sắm đông đúc, mật thám rải đều quanh chợ, vậy mà truyền đơn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam bỗng chốc tung bay…
Đứng nhìn cảnh tượng quân lính hốt hoảng chạy tới chạy lui gom mớ truyền đơn, bà Đoàn Thị Bích Hoàn, chủ gian hàng “Bột Bích Chi” nằm ở vị trí mặt tiền của chợ cố nén nụ cười phấn chấn. Bởi gian hàng mà vợ chồng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ưu tiên đến viếng thăm đầu tiên của chợ, đang thu hút người vào mua hàng nườm nượp này, cũng chính là nơi cất giấu mấy chục thùng chứa đầy truyền đơn.
Bà Bích Hoàn chính là một trong ba bóng hồng ẩn mình sau “bức bình phong” thương hiệu bột Bích Chi lừng danh tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam, trợ sức cho hoạt động bí mật của Ban Trí vận Sài Gòn-Gia Định, “làm mưa làm gió” suốt 10 năm trước 1975.
CHUYỆN ĐỜI NHỮNG “KHÁCH MÁ HỒNG”
Trên chuyến xe từ TP.HCM đi Sa Đéc thăm lại nhà máy bột Bích Chi một ngày giữa tháng 4/2015, bà Nguyễn Ngọc Mai cứ tiếc rẻ: “Đi về gặp chị Ngọc Điệp, mà cơn cao huyết áp làm Bích Hoàn không đi được, thiệt là uổng quá”… Nói rồi bà Mai nhoẻn miệng cười. Dáng người mảnh mai, mái đầu bạc trắng được bà cột gọn sau ót, gợi hình ảnh hơn 40 năm trước, người phụ nữ tuổi trung niên, lanh lẹ lái chiếc xe Daihatsu chở các thùng bột Bích Chi với đầy truyền đơn, tài liệu mật đi khắp các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Bà Mai là con gái thứ hai của nhà giáo Nguyễn Văn Hinh – nguyên Trưởng ban Kinh tế tài chính tỉnh Bình Dương. Năm 1944, mẹ của bà Mai từ trần; năm 1946, cha của bà hy sinh. Các chị em tản mác theo các cô chú, cậu dì. 16 tuổi, bà Mai được các nhà giáo Phan Văn Phổ, Phan Trọng Tân vận động theo cách mạng với lời hứa sẽ cho đi học tiếp.
Bà Mai kể: “Vừa căm thù kẻ địch bắn chết cha, vừa ham đi học, nên tôi quyết tâm theo cách mạng”. Do yêu cầu công tác, bà Mai không thể ra hoạt động nội thành và đi học như dự tính mà phải xuống vùng Đồng Tháp Mười đánh máy các bản tin mật của chiến khu. Tại đây, bà gặp Đoàn Thị Bích Hoàn, hơn bà ba tuổi. Hai cô gái xinh xắn, cùng tổ công tác đã mau chóng kết thân.
Bà Bích Hoàn lập gia đình với ông Đỗ Như Công ngay lúc bà Mai chuyển công tác về Mỹ Tho. Tại đây, bà Mai kết hôn cùng một đồng đội. Sau đình chiến 1954, cũng như ông Công, bà Hoàn, vợ chồng bà Mai được phân công về hoạt động nội thành Sài Gòn-Gia Định.
Bà Mai bắt đầu nhiệm vụ giao liên nội thành với chân phụ việc ở Chẩn y viện Thị Nghè. Còn vợ chồng bà Hoàn đảm nhiệm công tác tư sản vận ở Sài Gòn-Gia Định. Từ công việc này, bà Mai nhận nhiệm vụ “tổng phát hành” tài liệu, thư tín; mua và gom góp thuốc men mang vô căn cứ. Công tác hơn bốn năm, năm 1961, cơ sở bị lộ, chồng bà Mai bị địch bắt và tuyên án 5 năm tù Côn Đảo. Bà Bích Hoàn, ông Đỗ Như Công chung số phận.
Và “số phận” đó đưa đẩy ông Công gặp kỹ sư Trần Khiêm Ninh, anh trai ông Trần Khiêm Khánh, hai người bàn nhau khi ra tù cùng làm ăn để lo kinh tế gia đình, dĩ nhiên còn để “nuôi chí lớn”. Lúc ấy, ông Trần Khiêm Khánh (Tư Khánh, chồng bà Đinh Ngọc Điệp), bị tuyên án tù từ 1959 vì tham gia cách mạng vừa được ra tù, trở về Sa Đéc sống nương nhờ cha mẹ.
Vợ chồng ông Tư Khánh sinh chị Trần Thị Bích Chi. Bà Điệp kể: “Thời đó khó khăn lắm. Tôi bị thiếu sữa, trong khi trên thị trường không có sữa nào khác thay thế sữa mẹ ngoài sữa đặc có đường mà cũng rất khan hiếm. Bích Chi thiếu sữa mẹ nên èo uột, bú sữa đặc có đường thì thường bị tiêu chảy. Thương con ốm yếu, với kinh nghiệm từ trong kháng chiến, biết gạo lứt rất bổ dưỡng, anh Khánh đã lấy gạo lứt đỏ thử nấu cháo pha sữa cho Bích Chi bú dặm.
Nào ngờ khi ăn xong, Bích Chi mạnh giỏi, ít bệnh vặt. Cứ như vậy, vợ chồng tôi nuôi cháu cứng cáp. Hàng xóm cùng cảnh chạy tới hỏi bí quyết, tôi tận tình chỉ dẫn, nhưng họ không chế biến được nên vợ chồng tôi làm giúp. Sau họ thấy ngại, kêu chúng tôi làm nhiều hơn bán cho họ. Anh Ninh đi tù về, thấy Bích Chi và mấy trẻ hàng xóm ăn bột phát triển tốt, bàn với vợ chồng tôi mở cơ sở sản xuất bột gạo lứt, rồi cùng mấy anh bạn làm đại lý phân phối. Từ đó gạo lứt được chế biến thành bột tiện dụng cho trẻ ăn dặm. Còn nhớ hồi bàn lấy thương hiệu gì, mọi người đều nhất trí lấy tên Bích Chi, vì Bích Chi là đứa trẻ đầu tiên được ăn bột này và lớn, khỏe”.
Ông bà Bích Hoàn lấy địa chỉ căn nhà số 148/22EE Yên Đổ (nay là đường Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM) làm trụ sở tổng đại lý, gầy dựng mạng lưới phân phối bột gạo lứt Bích Chi khắp Sài Gòn và các tỉnh miền Đông, quảng cáo mạnh mẽ trên báo chí, phát thanh, truyền hình…
ĐI QUA CHIẾN TRANH
Suốt gần 10 năm cùng xây dựng thương hiệu “Bột Bích Chi”, nhưng mãi nhiều năm sau ngày đất nước thống nhất, bà Bích Hoàn mới có dịp giới thiệu bà Ngọc Mai, đại lý cấp 1 lớn nhất của bột Bích Chi với vợ chồng bà Ngọc Điệp, chủ cơ sở sản xuất.
Cùng bước sang tuổi 82, nhưng chất giọng vẫn sáng trong, rộn ràng, đầy nhiệt huyết, hai bà Ngọc Mai và Ngọc Điệp đã ôn lại kỷ niệm của những tháng ngày sôi nổi ấy.
Bà Ngọc Điệp e dè: “Tôi chẳng có công cán gì đâu”. Còn ông Tư Khánh thì viết: “Xuất thân trong gia đình nho học, có truyền thống yêu nước, có nhiều thanh niên khá giả trong vùng để ý nhưng cô thợ may xinh đẹp Đinh Ngọc Điệp không quan tâm. Khi được giới thiệu với Trần Khiêm Khánh, một cán bộ cách mạng hoạt động tại Sài Gòn, cô có cảm tình. Được gia đình đồng ý và anh Khánh được tổ chức chấp nhận, anh Khánh và cô Điệp thành hôn…
Sinh con gái đầu lòng Trần Thị Như Thủy, hai vợ chồng mua căn nhà lá ở cạnh cầu Chữ Y. Anh Khánh đi làm thư ký hãng buôn, chị Điệp ở nhà may vá. Cuộc sống vừa ổn định thì anh Khánh bị lộ, địch đón bắt trên đường đi làm. Chồng đột nhiên mất tích, chị Điệp hoảng hốt đi khắp nơi tìm. Anh Khánh bị kêu án ba năm tù, nhưng khi mãn hạn tù thì tiếp tục bị câu lưu. Đến cuộc chính biến lần thứ hai do Nguyễn Khánh đảo chính, anh Khánh mới được phóng thích cùng các tù nhân chính trị khác.
Trong lúc anh Khánh bị cầm tù, chị Điệp ở nhà một mình với đứa con thơ chịu đủ mọi sức ép, phải bán nhà, dời chỗ ở. Chị tần tảo ngày đêm may vá, nuôi con nhỏ. Lao lực nên sức khỏe của chị bị suy yếu nhiều, đến khi anh Khánh ra tù không thể sống ở Sài Gòn dưới sự theo dõi của địch, hai vợ chồng về quê ở Sa Đéc”. Đọc hết những dòng này, mới biết bà Điệp đã phải hy sinh đến nhường nào phía sau bức bình phong “Bột Bích Chi” mà bà vẫn nhận là mình không có “công cán” gì trong đó.
Với bà Ngọc Mai, nữ tài xế vận chuyển bột Bích Chi thời ấy thì lời căn dặn ngày đầu của người chỉ huy cũng là người anh lớn Huỳnh Tấn Phát – nguyên Tổng thư ký Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam: “Em cố gắng bảo vệ bí mật để hoàn thành nhiệm vụ, giao liên là mạch máu của Đảng” đã đi theo bà suốt mấy mươi năm công tác nội thành. Chiếc xe Daihatsu chở bột Bích Chi bên trong chứa đầy tài liệu mật, thuốc men, thậm chí nhiều lần trên xe còn có các vị cán bộ, lãnh đạo của Ban Trí vận Khu ủy hoặc của Mặt trận Dân tộc giải phóng… băng dọc ngang giữa lòng địch, qua mặt mật thám, chưa hề bị địch bắt và chưa một lần để lộ bí mật.
Năm 1961, khi chồng vừa bị bắt, biết có “động”, bà Mai đã mang con gái đi gửi gấp. Tiễn con xong, bà Mai chưa kịp định thần, hay tin ông Công, bà Bích Hoàn đều bị lộ. Thêm nữa, người giao tài liệu có hẹn với bà Mai và nữ giao liên Phạm Thị Nhành (bà Sáu Nhành) trong hai ngày tới, ba người sẽ cùng phân phát tập san Tri thức mới vừa chuyển đến trên ghe.
Thế nhưng ba ngày trôi qua, người đồng đội này bặt vô âm tín. Biết tình hình nguy cấp, suốt hai ngày sau đó, bà Ngọc Mai và bà Sáu Nhành phải tẩu tán hết chiếc ghe chở tài liệu. Xong việc, bà Mai về lại Chẩn y viện Thị Nghè, mới nhớ ra, còn một số lượng khá lớn tài liệu, thư tín đang nằm trên trần nhà.
Bà Mai bồi hồi nhớ lại: “Khi nhớ ra nhiệm vụ phải xóa sạch dấu vết thì trời đã gần sáng, tôi lập tức trèo lên nóc, dỡ tấm la phông bắt đầu công việc. Phần mang đốt, phần ngâm trong nước cho rã hết giấy tờ. Vừa đốt vừa canh sao cho khói không bay, làm xóm giềng chú ý. Tờ mờ sáng hôm sau, tôi xách giỏ đi vào căn cứ… Nhìn tôi gầy nhom, mấy chị em xách cân ra bắt leo lên, mới hay mình từ 34 ký lô chỉ còn lại 28! Cứ như chết đi sống lại…”.
Năm cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ, bà Mai đã phải thức trắng không biết bao đêm suy nghĩ cách vận chuyển, phát hành tài liệu mật thế nào để đến với anh em, đồng chí đúng nơi, kịp lúc trước vòng vây của địch. Bà nói: “Nếu không giải phóng kịp, chắc tôi… bị điên! Bởi đầu óc lúc nào cũng căng như sợi dây đàn”.
Bà Ngọc Mai kể: “Cuộc đời Bích Hoàn biết bao gian khó, truân chuyên. Vợ chồng cùng tham gia kháng chiến, gầy dựng thương hiệu, phát triển mạng lưới bột Bích Chi, rồi sinh và nuôi dưỡng cả ba đứa con đều một lòng theo cách mạng (người con gái đầu Đông Xuân cũng là chiến sĩ trong Ban Trí vận của Mặt trận Sài Gòn-Gia Định như cha mẹ – PV) thật đáng khâm phục”.
Trong bài viết của mình về câu chuyện bột Bích Chi tháng 9/2010, khi đã ở tuổi 80, bà Bích Hoàn từng tâm sự: “Điều đáng quý và tự hào là khi bị địch bắt không đồng chí nào khai báo, làm bể “bình phong” bột Bích Chi. Bột Bích Chi chính là “người bạn đồng hành thầm lặng, quả cảm” của các đồng chí hoạt động Mặt trận của ta ngày ấy.
Mỗi lần có tài liệu mật, báo chí của Mặt trận ngụy trang trong thùng bột Bích Chi là vợ chồng con cái chúng tôi chia nhau đi phân phát mau lẹ đến các cơ sở. Có lần cháu Trung Dân (đã mất) nói: “Mẹ ơi, ba con đã bị địch bắt rồi (năm 1968), mẹ cho hai chị em con chia việc bớt”. Thế là hai cháu chạy xe đến tận nhà các chú bác để giao những gói “bột Bích Chi”…
Có lần tôi đang nghe đài phát thanh Hà Nội trên lầu, một toán cảnh sát tuần tra ồ ạt vào nhà lục soát, tôi vội vã chạy xuống, cháu Phương Hồng, con út của tôi đã nhanh trí, tự chuyển cây kim dò đài, cất hai ống nghe vào cặp sách của mình. Địch đi rồi, tôi ôm con vào lòng, thương ứa nước mắt. Nhớ những ngày sôi động, chúng tôi sống, hoạt động giữa sự bủa vây của cảnh sát, mật thám; tôi vừa thương nhớ da diết người thân, người còn, người mất; vừa không khỏi mủi lòng xen lẫn chút tự hào là không hổ thẹn với các đồng chí đã khuất”…
Đó cũng là cảm xúc chung của tất cả những người phụ nữ Sài Gòn, những “khách má hồng” từng góp công cho Tổ quốc mà chúng tôi may mắn có cơ duyên gặp gỡ. Trong cuộc trò chuyện cùng các dì, các chị, cảm nhận chung là hầu như chẳng dì, chị nào cho rằng mình đã tận tụy hy sinh… mà tất cả đều khẳng định rằng bản thân chỉ là một “mắt xích” nhỏ nhoi trong triệu triệu mắt xích vận hành “cỗ xe”, để chung tay đưa kháng chiến đến thắng lợi.