Hơn nửa thế kỷ sống ở Sài Gòn nhưng cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi trong hẻm 157, đường Dương Bá Trạc, quận 8 vẫn giữ phong tục, tập quán sinh hoạt riêng.

Giáo cả Haji Kim Sô sức khoẻ yếu nên phải hành lễ ở nhà. Ông cho biết, người theo đạo Hồi trước khi làm lễ phải rửa tay, chân, mặt và chỉ nghĩ tới thượng đế khi cầu nguyện. “Bà con trong cộng đồng luôn tôn trọng các lễ nghi của tôn giáo mình đã theo”, ông nói.

Người dân ở đây vẫn giữ bản sắc văn hóa riêng như mặc trang phục truyền thống khi ra đường, làm lễ. Phụ nữ dù ở trong nhà hay ra ngoài đường vẫn trùm khăn che kín đầu.

Theo ông Haji Kim Sô, trước kia phụ nữ theo đạo Hồi ít khi được ra ngoài, nếu đi phải có người lớn hoặc chồng theo cùng nhưng nay đã thoải mái hơn.

Các gia đình trong hẻm làm nhiều nghề nhưng chủ yếu buôn bán nhỏ lẻ. Ngoài hàng hoá thiết yếu, bà con bán thêm đồ ăn truyền thống của người Chăm và thực phẩm theo chuẩn Halal (thực phẩm được phép ăn theo giáo lý của đạo Hồi).

Người theo đạo Hồi chỉ mua thực phẩm từ các tiệm có logo Halal, không sử dụng các món ăn làm từ thịt heo và nghiêm cấm sử dụng đồ uống có cồn như rượu, bia.

Hẻm 157 là nơi có cộng đồng người theo đạo Hồi Islam đông nhất trong 16 giáo khu ở TP HCM với khoảng 3.000 người.

Ông Haji Kim Sô, 72 tuổi, giáo cả, Trưởng ban quản trị cộng đồng người Chăm giáo khu Anwar cho biết, đa số người dân trong xóm có gốc gác từ vùng Châu Đốc, An Giang di cư lên Sài Gòn từ những năm 1960.

“Ngày xưa đất ở khu vực này rẻ, bà con lên đây lập nghiệp dần dần hình thành cộng đồng”, ông Haji Kim Sô nói.

Ở trung tâm xóm là thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng. Thánh đường có từ năm 1966, đến năm 2006 được xây dựng kiên cố, khang trang như hiện nay.

Mỗi ngày, các tín đồ đến hành lễ 5 lần vào các khung giờ quy định trong đạo Hồi. Riêng khu vực thánh đường, chỉ có đàn ông mới được đến làm lễ. Trong tháng ăn chay Ramadan phụ nữ mới được phép đến đây.

Hơn 5 năm nay, bà Aysal (áo xanh góc phải) bán các loại bánh của người Chăm và miền Tây như bánh bông lan, bánh tét, khoai mì, chà bông cá lóc do bà tự làm. Người phụ nữ 52 tuổi cho biết, từ Châu Đốc lên đây được 5 năm, ở nhà chị ruột.

“Cuộc sống thành phố có chật chội hơn quê nhưng dễ kiếm tiền, mỗi ngày tôi bán từ sáng đến trưa cũng được gần 200.000 đồng”, bà cho biết.

Gần đó, ông Ali, 58 tuổi bán tạp hoá ngay trước cửa nhà. Ông vẫn giữ truyền thống mặc đồ dài hoặc quấn xà rông, đầu đội mũ. Ông là một trong những gia đình đầu tiên định cư ở hẻm, đến nay đã qua ba thế hệ.

Trong căn nhà thuê với bề ngang chưa đến hai mét, chị Sakynah, 32 tuổi, dạy con học bài. Người phụ nữ sống trong hẻm 10 năm nay cùng với cha, bán đồ ăn mưu sinh. “Những đứa trẻ theo đạo Hồi từ nhỏ, ngoài học tiếng Việt thì cũng phải biết ngôn ngữ Chăm”, chị cho biết.

Trẻ em trong hẻm chơi đùa sau khi xong giờ hành lễ buổi trưa (12h30).

Hơn nửa thế kỷ định cư tại hẻm, cộng đồng người Chăm hoà nhập với người dân trong khu vực. Họ thường uống cà phê trò chuyện với nhau trước hẻm, nhộn nhịp nhất vào khoảng thời gian sáng sớm và chiều tối.

Cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi ở TP HCM có khoảng 10.000 người, sống tập trung ở 15 khu vực thuộc các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 1, quận 6, quận 8. Mỗi khu vực là một xóm sống quanh một thánh đường Hồi giáo (Masji Surau). Ở cấp thành phố, cộng đồng người Chăm đều thành lập một Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo, được chính quyền công nhận.