Giữa lòng Paris kiều diễm, người ta có thể bắt gặp rất nhiều quán cafe với nhiều cách gọi tên khác nhau như “terrace” hay “brasserie”. Người Pháp xem việc ngồi cafe mỗi ngày như một điều vô cùng bình thường trong nếp sống hằng ngày. Để kể câu chuyện về cà phê ở Sài Gòn, tôi sẽ bắt đầu như sau:
Rất lâu rồi từ những những ngày xa xưa trước, khi thực dân Pháp chọn Sài Gòn làm cứ địa đã mang cả kiểu cách ngồi cafe vỉa hè về vùng viễn đông xa xôi. Từ đó các quán cafe Saigon kiểu Tây cũng bắt đầu được ra đời. Về người Sài Gòn, dường như ở đây từ trẻ đến già, ai cũng cháy râm ran trong người ngọn lửa “ghiền cà phê”, chỉ chờ dịp có ai đó mời một ly là sẵn sàng uống rồi bùng lên cơn nghiện thứ nước uống đen quánh này. Thế nên người xứ này chẳng lấy gì làm khó khăn để đón nhận cái mới.
Quán cafe Saigon xưa có những cái tên mà đảm bảo người thời này nghe qua sẽ loáng thoáng thấy một hình bóng quen thuộc đâu đây. Bởi ngày nay, có rất nhiều quán cafe vẫn chọn lại cho mình những cái tên quán cafe vang danh một thời như “Terrace” hay “de la Rotonde”.
Đầu tiên, khi nói đến cafe Saigon thì phải nhắc đến trục cafe La Pagode-Givral-Brodard. Sở dĩ “bộ ba” này bỗng dưng được nổi tiếng vang danh là do nơi đây từng là “tổng hành dinh” của các trung tâm báo chí thời chiến tranh Việt Nam, là chốn quy tụ của các phóng viên tên tuổi trong làng báo chí như Peter Arnett, Larry Burrows… Cũng chính từ nơi đây mà thế giới có thể tiếp cận với các tin tức nóng hổi về tình hình chiến sự ở Việt Nam.
La Pagode
La Pagode (hay giới “dân chơi” ngày xưa còn gọi vui là “Quán Cái Chùa”) có tầm nhìn hướng ra đường Catinat sang trọng bậc nhất Sài Thành lúc bấy giờ. Các thượng đế khi vào đây không phải ngồi trên ghế gỗ hay ghế sắt thông thường mà có hẳn một không gian thoáng đãng với ghế salon êm ái sẵn sàng chiều lòng người. Cũng như Sài Gòn ngày nay có một số địa chỉ quen thuộc mà khi đến đó, người ta sẽ có thể “ngồi chung không gian” với người nổi tiếng nhâm nhi ly nước thì LA Pagode là một địa chỉ như vậy của thời xưa. Nơi đây là điểm họp mặt quen thuộc của giới văn nghệ sĩ Sài Gòn cũng như các nhà hoạt động văn hóa, xã hội của Sài Gòn cũ.
Khách sạn Continental
Cách La Pagode không bao xa là khu vực quán cà phê lộ thiên của khách sạn Continental. Tuy ngày ấy, người ta gọi quán cà phê này với một cái tên vô cùng bình dân là “Cà phê vỉa hè”, nhưng những ai “đủ can đảm” để ngồi vỉa hè uống cà phê ở thời đó chỉ toàn quan chức pháp hoặc giới thượng lưu.
Givral
Givral nằm đối diện khách sạn Continental từng là bối cảnh của bộ phim Người Mỹ trầm lặng và là “cứ địa” ở Sài Gòn của nhà báo và tình báo viên Phạm Xuân Ẩn ngày ngày dắt con berger đến tự thưởng cho mình vài phút yên ả ăn sáng, đọc báo trước khi lại nhảy vào một cuộc chiến mới. Tại đây, ngoài cà phê thì các thượng đế còn được phục vụ thêm các loại bánh ngọt đi kèm.
Brodard
Cùng nằm trên Rue Catinat là quán Brodard cũng có lối bày biện bàn ghế nội thất theo phong cách phương Tây sang trọng. Quán đầu tư cả máy lạnh và cửa kiếng bóng loáng để người có thể ngắm người qua lại. Không gian của Brodard rất yên tĩnh với ánh sáng được điều chỉnh thật nhạt để những tâm hồn thư thái có thể thả hồn vào làn khói cà phê thơm nức mũi và chìm vào lãng đãng thơ mộng của riêng họ.
Café de la Terrace
Quán cà phê kiêm khách sạn Café de la Terrace nằm ở số 130 cạnh quảng trường Nhà hát Lớn (tức là Nhà hát Thành phố ngày nay). Café de la Terrace được sở hữu một hướng nhìn có thể xem là đẹp nhất Sài thành khi khách đến đây có thể thưởng thức cà phê trong khi phóng tầm mắt ra khoảng không gian khoáng đạt trước Nhà hát Lớn. Ngày nay, quán cà phê nức tiếng năm nào đã được thay thế bởi khách sạn Caravelle diễm lệ.
Café de la Rotonde
Một quán cafe Saigon khác trên Rue Catinat là Café de la Rotonde nằm tại số 2, đối diện khách sạn Majestic. Tên gọi của quán cà phê này có lẽ được đặt dựa theo hàng ban công có dáng bo tròn ngay góc ngã ba của con phố. Đây là quán cafe Saigon có tầm nhìn đẹp nhất hướng ra Sài Gòn lúc bấy giờ. Cùng với Café de la Terrace thì đây là địa chỉ yêu thích của giới thượng lưu Sài Gòn ngày nào.
Sau bao nhiêu thăng trầm và biến đổi lịch sử của thành phố trẻ, ngày nay các quán cafe mang đậm dấu ấn Sài Gòn xưa cũng đã biến mất cùng chế độ cũ và được thay thế bởi những công trình mới văn minh, hiện đại hơn. Nhưng văn hóa ngồi cafe vẫn còn đó và được tiếp nối, mặc kệ phố phường có đổi, lòng người có thay.