Nguyễn Đình Sơn – chàng trai trong những clip triệu view gây xôn xao mạng xã hội cho rằng việc làm của mình chỉ là góp thêm sự ấm áp trong cuộc sống đời thường.
Những ngày qua, mạng xã hội xuất hiện clip một chàng trai đạp xe rong ruổi trên những tuyến đường Sài Gòn để lượm ve chai, tặng tiền cho người nghèo. Hành động khác lạ nhưng ý nghĩa này nhanh chóng thu hút sự quan tâm từ cư dân mạng.
Chàng trai có hành động ấm áp ấy là Nguyễn Đình Sơn (27 tuổi, quê Đắk Lắk), hiện sống tại TP.HCM. Mỗi ngày, sau khi tan làm, anh Sơn đều đạp xe lượn lờ khắp phố để lượm ve chai để góp phần bảo vệ môi trường.
Đi lượm ve chai để… tập thể dục
Chia sẻ với PV VTC News, anh Sơn khẳng định những clip triệu view được đăng tải trên mạng là hoàn toàn đúng sự thật, không hề dàn dựng. Sơn vốn rất thích các hoạt động thiện nguyện và thường xuyên chung tay hỗ trợ những người kém may mắn, vô gia cư ở Sài Gòn. Sơn nói, dù sức người có hạn nhưng mỗi lần làm được điều tốt cho ai đó, anh lại cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
“Cũng có nhiều người nói tôi rằng chỉ giỏi làm màu, nghèo mà bày đặt đi giúp đỡ người khác. Mỗi lần như vậy tôi chỉ cười, vì tôi biết mình cho đi không mong được ghi nhận. Giúp được ai là tôi cứ giúp thôi”, anh Sơn kể.
Khi được hỏi về quyết định đi lượm ve chai, tặng tiền cho người nghèo, anh Sơn cho biết chỉ xem việc lượm ve chai là tập thể dục mỗi ngày, còn tặng bao lì xì thì giống như “chia sẻ với người có duyên”. Với anh Sơn, điều này nhỏ bé, chẳng có gì to tát để khoe khoang.
“Thú thật tôi không có nhiều tiền để tặng như mọi người vẫn nghĩ. Mỗi ngày làm việc này, tôi chỉ tặng một ít tiền xem như món quà tinh thần thôi”, anh Sơn cho hay.
Để người “hữu duyên” thoải mái khi nhận quà, anh chàng sử dụng bao lì xì màu đỏ bên trong chứa tiền có mệnh giá 200.000 đồng. Mỗi lần tặng, anh Sơn đều khẳng định các bao lì xì có giá trị khác nhau, từ 1.000 đồng cho tới 200.000 đồng, giúp ai nhận cũng cảm thấy mình là người may mắn.
“Tôi luôn quan niệm “của cho không bằng cách cho”, nếu như tặng quà không tinh tế thì lại vô tình làm tổn thương người nhận. Do đó, tôi nói dối rằng trong bao lì xì có tiền nhiều mệnh giá khác nhau”, anh chàng kể thêm.
Bà Ngô Thị Thủy không giấu nổi sự xúc động khi được anh Sơn tặng quà. “Rất bất ngờ về việc làm của cháu Sơn. Có thể với nhiều người 200.000 đồng không phải là số tiền lớn, nhưng cách cháu tặng tiền thật đặc biệt, người được nhận quà như tôi cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc”, cô Thủy vui vẻ nói.
Dù không sinh ra ở Sài Gòn, nhưng chàng trai lượm ve chai này có tình yêu đặc biệt dành cho mảnh đất hoa lệ. Với anh Sơn, Sài Gòn chính quê hương, dẫu rằng anh chỉ mới gắn bó cùng thành phố trong thời gian ngắn.
“Tôi không hiểu sao mình yêu Sài Gòn đến vậy, tôi thích sự náo nhiệt và năng động của thành phố. Nơi đây, không có gia đình nhưng có đủ sự bao dung, đùm bọc. Càng ở lâu, tôi càng thấm nghĩa tình người Sài Gòn dành cho nhau”.
Lý do anh Sơn quyết định lập nghiệp ở TP.HCM là để “trả ơn”. Chàng trai trẻ nói lúc mới đặt chân đến Sài Gòn cũng là thời điểm bùng dịch COVID-19.
Chứng kiến những khó khăn của người Sài Gòn, đặc biệt là tinh thần đùm bọc, tương thân tương ái, giúp đỡ, hỗ trợ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, chàng trai trẻ càng quyết tâm bám trụ ở thành phố này hơn. Là người từng được Sài Gòn hỗ trợ, khi về với cuộc sống bình thường, chàng trai trẻ tâm niệm mình phải làm điều gì đó có ích cho thành phố.
Hơn nữa, việc lượm ve chai, tặng tiền cho người nghèo một phần là để anh Sơn “làm lại cuộc sống” sau khi trải qua biến cố lớn tưởng chừng như không đứng lên được nữa.
“Tôi bị lừa mất hết tiền, lúc đó suy sụp tinh thần và nghĩ đến cái chết. Nhưng may mắn tôi có gia đình, người thân hỗ trợ nên đã vực dậy được. Tôi tham gia các công tác thiện nguyện giống như đang khởi động lại mọi thứ. Cho đi nhiều hơn, không cần vật chất, tiền tài, tôi chỉ cần những nụ cười hạnh phúc”, anh Sơn nói.
Thấy anh Sơn rong ruổi khắp Sài Gòn với những bịch ve chai trong tay, nhiều người đã liên lạc, lượm ve chai giúp rồi gọi chàng trai 9X đến lấy. Mỗi lần như vậy, anh Sơn lại cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh.
“Có nhiều chị để sẵn những túi ve chai trước cửa nhà rồi hẹn tôi đến lấy. Họ xem được video clip chia sẻ trên mạng xã hội và muốn giúp tôi làm điều có ý nghĩa cho cộng đồng. Tôi nghĩ, nếu như ai cũng mang tinh thần lá lành đùm lá rách, cho đi mà không mong nhận về thì cuộc sống này sẽ ấm áp và có nhiều tiếng cười lắm”, anh Sơn nói.