Được biết ông sinh ra và lớn lên tại Phan Thiết trong gia đình có đến 12 người con. Thuở nhỏ ông học trường trung học Bồ Đề (nay là trường tiểu học Tuyên Quang) – một trường dành cho con em các gia đình Phật tử và gia đình nghèo. Sau đó ông chuyển sang trường trung học nổi tiếng của Phan Thiết là Phan Bội Châu.
Anh Khoa vốn bộc lộ khả năng ca hát khi còn ngồi ghế nhà trường. Vào năm 1962, ông xuất sắc đạt giải nhất cuộc thi Văn Nghệ Ấp Chiến Lược Toàn Quốc tại rạp Quốc Thanh (Sài Gòn) với ca khúc “Biệt Kinh Kỳ”.
Sau chiến thắng, ông nhận được bằng khen của tổng thống và số tiền thưởng 5000 đồng – một số tiền rất lớn khi đó. Ông đã dùng số tiền này để mua sách về tự học nhạc. Và sự nghiệp của ông cũng chớm nở từ đây.
Thấy con trai mê nhạc, dù điều kiện khó khăn nhưng mẹ Anh Khoa vẫn chiều ý mua cho ông một cây guitar bass. Có được cây đàn quý giá này ông dường như mê đắm vào việc ca hát.
Anh Khoa vừa đi hát mỗi đêm, vừa tiếp tục theo học bậc trung học đệ nhị cấp (cấp 3 hiện nay) tại trường Nguyễn Huệ. Nhưng vì không thể chuyên tâm học hành nên ông bị rớt Tú Tài 2.
Ban nhạc đầu đời mà Anh Khoa tham gia là ban nhạc trẻ ở quê có tên là The Sea Bees, nhưng không tồn tại được lâu. Vì gia đình lâm vào tình trạng túng quẫn, năm 20 t.uổi ông quyết định nghỉ học để một mình vào Sài Gòn tìm kiếm cơ hội ca hát.
Tại đất Sài Thành hoa lệ, ban đầu ông chơi guitar bass cho một ban nhạc trong club Mỹ, sau đó được nhận vào chơi nhạc trong ban của Jo Marcel ở vũ trường Tự Do.
Đây cũng có thể xem là bước ngoặt trong sự nghiệp Anh Khoa, vì thời gian sau đó ông được Jo Marcel tận tình dìu dắt, nâng đỡ. Cũng từ đây ông dần trở nên nổi danh trong làng nhạc Sài Gòn.
Vào năm 1969, Anh Khoa theo chân Jo Marcel để trình diễn tại tầng dưới của Queen Bee (một vũ trường sang trọng) cùng các ca sĩ như Carol Kim, Ngọc Mỹ, Như An…
Nhưng phải đợi đến khi ông được Jo Marcel đưa lên hát ở tầng trên của Queen Bee (là vũ trường sang trọng hơn tầng dưới) trong chương trình của Lệ Thu, lúc này Anh Khoa mới thật sự tạo được chú ý với những ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thành An.
Sang năm 1970, Jo Marcel rời Queen Bee để lập phòng trà Ritz, bắt đầu thực hiện những chương trình nhạc Jo Marcel thu thanh trực tiếp từ phòng trà. Bấy giờ, giọng hát Anh Khoa đã xuất hiện trong hầu hết những băng nhạc Jo Marcel – trở thành 1 trong những nam ca sĩ nhạc trữ tình được yêu thích nhất.
Chỉ trong 5 năm đầu của thập niên 1970, Anh Khoa đã thu âm hàng trăm bài hát và để lại nhiều dấu ấn. Báo chí thời đó đã viết rằng “ca sĩ Anh Khoa bước chân vào nền âm nhạc Việt Nam bằng đôi hia bảy dặm”.
Khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao thì biến cố tháng 4 năm 1975 diễn ra, Anh Khoa mất tất cả sự nghiệp. Sau một thời gian, ông cũng đi hát cùng đoàn nhạc của Ngọc Giao ở các vùng xa xôi, làng, xã nhỏ. Trong đoàn hát này ông cũng hay gặp gỡ người đàn anh đồng hương là Nhật Trường, cũng có hoàn cảnh tương tự.
Từ khoảng năm 1977, 1978, Anh Khoa được gia nhập ban kịch Thẩm Thúy Hằng cùng với Băng Châu, Thảo Ly, Hoàng Hạc,… xuất hiện trong phần phụ diễn tân nhạc.
Sau hơn 1 năm, Anh Khoa bắt đầu ra hát tại các tụ điểm, các câu lạc bộ văn hóa ở Sài Gòn và được biết đến nhiều qua những nhạc phẩm của nhạc sĩ Trần Tiến: Thành Phố Trẻ, Mặt Trời Bé Con, Vết Chân Tròn Trên Cát,… Vào thập niên 1980, Anh Khoa mới bắt đầu trở lại ca hát ở phòng trà Maxim’s.
Khi ở t.uổi 40, nam ca sĩ có cơ hội gặp gỡ và kết duyên với 1 người phụ nữ ngoại quốc. Được biết cô gái này có tên là Iren Karsai – là ái nữ của đại sứ Hungary tại Kampuchea. Trong một lần cùng cha mẹ du lịch sang Sài Gòn, cô đến phòng trà Maxim’s và gặp Anh Khoa tại đây.
Iren Karsai thông thạo 4 ngôn ngữ, nên dễ dàng giao tiếp với Anh Khoa bằng tiếng Anh, và họ quyết định đi đến hôn nhân một cách nhanh chóng chỉ 1 năm sau đó. Tiệc thành hôn được tổ chức thân mật và ấm cúng tại nhà hàng Majestic vào tháng 8 năm 1989. Sau đó Anh Khoa cùng với vợ qua sống tại Hungary.
Ông từng chia sẻ về hôn nhân của mình: “Chúng tôi gặp nhau vào thập niên 1980. Đó là duyên số. Yêu thương thì người nào mình cũng yêu thương, nhưng cái duyên phải đến từ cả hai và không ai có thể cãi lại định mệnh. Khi hai con tim đã gặp nhau thì việc vượt qua trở ngại ngôn ngữ, những thói quen văn hóa hai nước để cùng hòa hợp nhau thành một không khó”.
Vào năm 1995, Anh Khoa được trung tâm Thúy Nga mời cộng tác và xuất hiện lần đầu tiên trên chương trình Paris By Night 15 với ca khúc sở trường “Anh Đến Thăm Em Đêm 30” của nhạc sĩ Vũ Thành An.
Năm 2005, Anh Khoa bắt đầu chuyển sang hợp tác cùng Asia, rồi sau đó quay lại hợp tác với Paris By Night trong một vài chương trình. Ngoài ra, từ thập niên 1990, Anh Khoa cũng cộng tác với nhiều Trung tâm băng nhạc khác nữa là Giáng Ngọc, Người Đẹp Bình Dương; Tình Nhớ, Miss VN-USA, Nhật Trường, Rainbow Tú Quỳnh, Mưa Hồng…
Ở đất nước Đông Âu xa xôi, tuy không thuận tiện cho sự nghiệp ca hát vì cộng đồng người Việt hạn chế, nhưng bù lại Anh Khoa đã có được cuộc sống hôn nhân êm đềm và hạnh phúc bên cạnh người vợ hiền và cô con gái xinh xắn tên là Trần Diana.
Sống tại quốc gia xa xôi với cộng đồng người Việt ở Âu – Mỹ, Anh Khoa dồn tất cả sinh hoạt của mình cho gia đình, chấp nhận tình trạng lặng lẽ trong sinh hoạt văn nghệ, ngoài những lần bay qua California hoạt động trong giới nghệ sĩ tại đây.
“Sống bên đó cũng chỉ vì gia đình thôi. Giữa 2 cái Khoa phải chọn một. Một bên là việc làm, một bên là gia đình. Nhưng việc làm thì Khoa chạy qua chạy lại được, dễ dàng thôi. Dầu sao mình cũng cần có hậu phương là gia đình của mình chớ! Khoa qua Mỹ thấy cuộc sống chưa chắc đã bằng Khoa bên Hung” – Anh Khoa cho biết
Năm 2015, ca sĩ Anh Khoa về nước làm liveshow “Những lời yêu thương” cùng nhạc sĩ Đức Huy. Chương trình khi đó đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ khán giả Việt Nam.
Trả lời báo Thanh Niên khi đó ông tiết lộ: “Tôi hát tất cả những bài nổi tiếng trước 1975, trong đó song ca cùng anh Đức Huy bài Cơn mưa phùn. Khách mời trong liveshow có Phương Thanh, Hồng Hạnh. Tôi sẽ ăn tết tại quê nhà Phan Thiết (Bình Thuận). Tết đến làm tôi nhớ về thời thơ ấu vô cùng”.