Sáng sáng, quán hủ tiếu của gia đình anh Thành đều đặn khách.
Lúc nào cũng vậy, vừa đến đây, tôi lập tức phải ghé mắt vào tấm biển hiệu cũ với dòng chữ “Hủ tiếu Lâm Huê Viên”, được viết một cách cổ điển. 6 giờ, quán bắt đầu mở cửa. Khách ghé ăn đều đặn, hết lượt khách này đến lượt khách khác.
Trong quán, bốn anh chị em gốc Hoa trong gia đình của anh Thành mỗi người một việc, làm nhanh nhất, tỉ mỉ nhất những phần hủ tiếu, mì, bánh canh… mang ra bàn cho khách để không ai phải chờ đợi lâu. Tiếng cười, nói chuyện trong quán nhộn nhịp.
Tâm sự với tôi, anh Thành cho biết quán ăn của gia đình mình đã được truyền qua ba đời, từ đời của ông bà anh. Quán được mở trước năm 1975, trước còn bán nhiều loại nước bên cạnh các món ăn đặc trưng, truyền thống của người Hoa.
Ngoài 20 tuổi, tôi đã bắt đầu phụ bán. Lúc đó, có mẹ tôi bán cùng với các anh chị em. Năm 2021, mẹ mất vì tuổi cao, sức yếu. Nhà tôi có bảy anh chị em, thì có bốn chị em cùng kế thừa quán ăn này, sắp tới chắc là đời thứ tư, vì các cháu trong nhà vẫn ra phụ bán…
Anh Trần Vĩnh Thành, chủ quán Phần hủ tiếu đầy đủ giá 100.000 đồng.
Phần hủ tiếu giá 150.000 đồng.
Quán ăn được nhiều người biết tới khi bán với mức giá không phải thấp, tô rẻ nhất cũng đã 100.000 đồng. Nói về điều này, bà Trần Vĩnh Diệp (58 tuổi), là chị anh Thành và cũng là chị cả trong gia đình cùng các em điều hành quán cho biết mức giá này là hợp lý.
Theo đó, mỗi tô hủ tiếu mì thập cẩm sẽ có cật, tim, gan, tôm viên, cá viên, tôm, thịt nạc heo, cá bớp có giá 100.000 đồng.Theo bà Diệp, tất cả những nguyên liệu được quán chọn đều là những nguyên liệu tươi ngon nhất, là “hàng tuyển” được chế biến theo công thức gia truyền của gia đình, nguyên liệu đều được dùng trong ngày… nên mới có giá này.
“Tiền nào của nấy”, khi khách ăn, sẽ cảm nhận được điều đó và cũng không phải ngẫu nhiên, quán được khách ủng hộ suốt nhiều đời qua, theo lời bà chủ.
Có ngon như lời đồn?
Món khoái khẩu của tôi ở quán này chính là tô mì thập cẩm, có thêm phần cá bớp. Với tôi, hương vị tô mì ở đây xứng đáng đạt điểm 9/10, xứng đáng với giá tiền bỏ ra. Tôi ấn tượng nhất trong tô hủ tiếu mì ở đây là phần tôm sú tươi rói, giòn ngọt.
[CLIP]:‘Hủ tiếu nhà giàu’ TP.HCM nửa thế kỷ, rẻ nhất 100.000 đồng/tô: Khách mê món độc, lạ.
Thêm nữa, miếng cật heo khá lớn, xẻ sọc ca rô, ăn vào giòn mà không có mùi khó chịu, chứng tỏ được chế biến rất khéo, dù cật vốn là nguyên liệu không dễ ăn với tôi. Sự phối hợp giữa nước lèo thanh, ngọt dịu, cùng sợi mì truyền thống bắt miệng và các nguyên liệu tươi ngon kể trên chính là lý do mà tôi là “khách ruột” của quán.
Anh Hứa Thanh (46 tuổi, ngụ Q.11) cho biết mình và gia đình là khách quen của quán suốt mấy chục năm, anh ăn ở đây từ hồi còn trẻ. Vì thích hương vị hủ tiếu mì ở đây mà hầu như tuần nào anh cũng ghé ít nhất một hoặc hai lần, thường là vào cuối tuần.
“Mẹ tôi mỗi lần thăm tôi cũng đều kêu tôi mua mì ở đây, mẹ thích ăn. Hôm nay tôi đi mua về cho hai mẹ con cùng ăn sáng. Quán bán từ 6 giờ sáng tới 1 giờ chiều là nghỉ, nên cũng tranh thủ”, anh nói, rồi mang hai phần mì thập cẩm về nhà.
4 chị em trong gia đình anh Thành.
Còn chị Như Lê (28 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cho biết trong một lần vô tình ghé quán ăn hồi 3 năm trước, khi có công việc ghé qua Bưu điện Chợ Lớn, chị đã thích luôn món ở đây.
Kể từ đó, mỗi lần có dịp sang Q.5, chị đều ghé ủng hộ quán. Vị khách cho biết chị thích nhất là sự phối hợp nguyên liệu cá bớp trong phần hủ tiếu mì, điều mà chị chưa thấy ở những quán khác chị từng ăn qua. Đó cũng là một trong những lý do chị đặc biệt ấn tượng với quán ăn này.
Qua bao thăng trầm, biến thiên, quán ăn vẫn ở đó trong khu Chợ Lớn, mỗi ngày vẫn mang những phần ăn với công thức nấu được truyền qua nhiều thế hệ trong gia đình gốc Hoa đến với khách.