Không phải ai cũng biết từ năm 19 tuổi, từ thuở còn “mắc cỡ”, bà Tâm đã gánh bánh canh bán dạo, từ công thức nấu do bà ngoại truyền lại.
3 tiếng là hết
Sáng sáng, đi dọc đường Phong Phú (Q.8), nhiều người sẽ bị hấp dẫn bởi những hàng, quán, gánh bán đồ ăn nằm san sát nhau. Cái khó, là tôi không biết phải chọn món nào, mua quán nào bởi món ăn đa dạng, đều phù hợp cho một bữa sáng ấm bụng.
Những ngày “đau ví”, tôi sẽ ghé lại gánh bánh canh quen thuộc của mẹ con bà Thanh Tâm nằm ở đầu đoạn đường này. Khu này, không ai không biết bà bán rẻ có tiếng, nhiều người lao động khó khăn mua một tô bánh canh giá 10.000 đồng, bà chủ cũng vui vẻ bán.
Gánh bánh canh nho nhỏ, nổi bật với nồi bánh có màu vàng cam bắt mắt, mùi thơm phức khiến bụng tôi đang đói lại càng cồn cào. 6 giờ 30 phút, khách tới ăn tại chỗ cũng như mua mang đi đông đúc khiến bà chủ và cô con gái phải làm liên tục để không ai phải trễ giờ làm.
Suốt bao nhiêu năm buôn bán, bà chủ vẫn giữ quan điểm là bán giá rẻ, bình dân để phù hợp với người lao động nghèo. Thời buổi này, vật giá leo thang, mỗi phần bánh canh của bà cũng từ 18.000 – 23.000 đồng. Nhưng ai khó khăn muốn mua phần rẻ hơn, bà chủ cũng thoải mái bán mà không đắn đo.
Mẹ con bà Thanh Tâm nói rằng, tất nhiên việc buôn bán với mức giá đó cũng có lời, lời ít. Nhưng họ vui vì có thể chia sẻ với những người lao động khó khăn. “Có những người ăn tôi mấy chục năm, biết rõ hoàn cảnh của họ nên giờ, mỗi lần họ mua là mình tự động bán phần 10.000 đồng. Cũng biết tính họ thích ăn gì, không thích ăn gì”, bà tâm sự.
Mở bán từ 6 giờ sáng, bà chủ nói rằng những ngày bán đắt, 3 tiếng hết sạch. Chậm hơn, thì 10 giờ mới dọn hàng. Để kịp phục vụ khách, hằng ngày, bà đã thức từ 3 giờ sáng để chuẩn bị chu đáo mọi thứ, cứ vậy suốt mấy chục năm qua.
Một mình nuôi 2 con khôn lớn
Bà Thanh Tâm kể mình thôi chồng từ sớm, nhờ gánh bánh canh này, mà bà nuôi con trai lớn và con gái út khôn lớn, nên người như bây giờ. Các con chính là niềm tự hào, là tài sản lớn nhất của bà chủ bên cạnh gánh bánh canh mà bà dành cả cuộc đời để gắn bó.
Con gái bà Tâm, chị Ngọc (25 tuổi) cũng phụ mẹ bán hơn 2 năm qua. Nhiều năm trước, chị thi đậu đại học, nhưng vì thương mẹ buôn bán vất vả một mình nên cô gái quyết định phụ mẹ gắn bó với gánh này.
“Chắc là tôi bán tới khi nào chết, không thể nào bán nữa thì thôi, vì giờ nó là cả cuộc đời của tôi rồi. Không biết sau này, con của mình nó có kế thừa không, vì làm cái nghề này nó cực lắm. Điều tôi tự hào nhất trong tô bánh canh của mình là hương vị suốt mấy chục năm không đổi của bà ngoại”, bà chủ bày tỏ.
Tô bánh đơn giản, nhưng ăn vừa miệng.
CAO AN BIÊN
Tô bánh canh của gánh bà Tâm không quá lớn, vừa vặn cho một bữa sáng năng lượng. Sợi bánh dai, mềm truyền thống cùng chả cá, cá viên, nấm và giò heo ngập trong nước lèo đậm đà, thêm một chút rau mùi, tiêu và ớt là hết sẩy. Xét về hương vị, tôi chấm 8/10 điểm, đáng để ăn nhiều lần.
Bà Ngọc Lan (54 tuổi, ngụ Q.8) là khách quen của quán cho biết vì nhà gần nên hầu như sáng nào bà cũng ghé đây ăn, mua về cho con cháu, người thân trong nhà. Vị khách cho biết bánh canh ở đây nhìn bắt mắt, hương vị ngon và điều quan trọng là giá hợp lý.
“Chỗ này bán rẻ lắm. Mình muốn mua 10.000 đồng cũng có, mua hơn cũng có. Ngày mùng 1 và 15 âm lịch hằng tháng còn bán món chay, tôi cũng ăn chay vào mấy ngày đó nên mua luôn. Ăn ở đây quen rồi, không ngán và bị ghiền”, bà Lan cười tươi rói.
Đều đặn mỗi ngày, gánh bánh canh của bà Tâm hiện diện trên con đường này, hòa vào nhịp sống hối hả buổi sớm mai ở TP.HCM…