Kim Oanh – diễn viên chuyên vai đanh đá – cho biết những người đàn ông thông minh, tài hoa luôn thu hút cô.

Nghệ sĩ nói về quan điểm cuộc sống, nghề nghiệp, dịp đóng phim Người vợ cuối cùng của Victor Vũ.

– Chị làm mới mình thế nào khi vào vai mợ cả quyền lực trong phim “Người vợ cuối cùng”?

– Mỗi nhân vật tôi làm, không có vai tính cách nào giống nhau. Phản diện có nhiều kiểu, chính diện cũng vậy. Theo nghiên cứu khoa học, 8 tỷ người trên thế giới sẽ có hơn 2.000 loại tính cách, và con người từ khi sinh ra đến lúc mất đi chỉ gặp được hơn 60 loại, vì sẽ có loại na ná nhau trong một môi trường sống. Nhân vật Bà Cả ở phim Người vợ cuối cùng nằm trong hơn 2.000 loại tính cách ấy. Tuy không phải thời kỳ mẫu hệ, người đàn bà này vẫn có quyền lực trong gia đình, khác với nhiều phụ nữ thời phong kiến. Tôi hào hứng vì đây là dạng tính cách mình chưa từng làm.

Tạo hình của Kim Oanh trong phim Người vợ cuối cùng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tạo hình của Kim Oanh trong phim “Người vợ cuối cùng”. Ảnh: Nhân vật cung cấp

– Trong phim chị đóng vai quyền lực, ngoài đời chị thế nào?

– Tôi nghĩ mình cũng có chút quyền lực mềm. Ví dụ là giáo viên, tôi có quyền mắng những học sinh đi muộn. Hay là đạo diễn, tôi được chỉnh sửa diễn xuất của người khác cho phù hợp. Điều này có nghĩa tôi đang ở trong những vị trí được phép chia sẻ suy nghĩ, đôi khi khắc chế những người xung quanh để mang lại hiệu quả công việc. Và mọi người cũng dành sự tin tưởng để tôi làm điều đó.

Khi xây dựng cuộc đời mình, tôi bắt buộc bản thân phải giỏi, phải mạnh mẽ. Làm gì có mấy ai yếu đuối, không thông minh mà sở hữu quyền lực. (Cười)

– Chị phản ứng thế nào với những thứ mình chưa có được?

– Tôi hiểu nguyên lý cuộc đời, lấy bình hòa làm kim chỉ nam và dịu dàng với những thứ được mất. Tôi hơi khác người bình thường một chút, không thấy cái gì là của mình mãi mãi, từ vai diễn, sự nghiệp, chồng con, thậm chí là thân hình cha mẹ đã ban tặng này. Tôi có thể mua xe để đi làm, mua nhà để ở, nhưng không thể mang theo lên thiên đường. Vì vậy, tôi sẽ hạn chế sở hữu. (Cười)

Bản thân tôi luôn tự tạo niềm vui, nếu bị phụ thuộc vào thứ gì sẽ dễ làm nô lệ cho thứ ấy. Tôi không phải người khi muốn gì phải có bằng được thì mới hạnh phúc. Giống như việc mua xe, không vì thích quá mà tôi ngày đêm nghĩ về việc làm thế nào để có nó. Thời gian đó, tôi đọc sách để tích lũy, nâng cao kiến thức thay vì phụ thuộc vào ai hay điều gì mới mang lại niềm vui cho mình.

Kim Oanh không sợ đối diện với nỗi buồn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Kim Oanh chọn lối sống tích cực, chăm tập thể thao, chơi golf. Ảnh: Nhân vật cung cấp

15 năm qua, tôi đọc Phật pháp nhiều, thấm thía các pháp của nhà Phật. Dù không biết tận gốc rễ của các pháp, nhưng chỉ cần hiểu nhẹ nhàng như vậy là tôi thấy hạnh phúc rồi. Tôi nghĩ thật, sống thật đã là sướng hơn nhiều người. (Cười)

Trong công việc tôi nghĩ bận rộn cũng là niềm hạnh phúc, bởi tôi thích những công việc mình đang làm. Tôi thích nhất là được từ chối làm điều mình không thích, không bao giờ phải lựa lời, đầy tự tin để nói “Không” và như vậy sẽ dễ làm việc với đối phương.

– Gia đình phản ứng thế nào trước những quan điểm sống của chị?

– Bố mẹ tôi rất hiện đại, luôn nghĩ làm thế nào để các con vui nhất. Đôi khi, bố mẹ lo nghĩ cho chị em tôi, nhưng tôi thì không. Tôi nói mình đang hạnh phúc và ông bà rất vui. Lúc đó tôi thấy bố mẹ được nhẹ đi một gánh.

Từ nhỏ, tôi được bố mẹ đào tạo nghiêm ngặt, thường xuyên bị đòn vì quan điểm của ông bà là “thương cho roi cho vọt”. Trước 18 tuổi, tôi luôn thấy bí bách, tự dặn lòng khi đủ tuổi sẽ sống theo sở thích và kệ tất cả. Tôi đanh đá, ghê gớm hơn nhưng vẫn không vượt quá ngưỡng cho phép. Vì bố làm luật nên tôn chỉ của tôi là sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

– Lúc nào cũng thấy hạnh phúc, vậy khi nào chị yếu đuối?

– Đàn ông còn có lúc thiếu mạnh mẽ, huống chi phụ nữ. Tuy nhiên, tôi chỉ cho phép mình yếu đuối một lúc, có thể là một, hai ngày hay một tuần, sau đó sẽ tìm phương án giải quyết. Tôi không bị trầm cảm hay bị buồn triền miên vì vấn đề gì. Khi không vui, tôi chỉ ở nhà, ăn, ngủ, đọc sách. Đến một giai đoạn, tôi sẽ tự kéo mình ra khỏi những cảm xúc tiêu cực chứ không nhờ ai làm điều đó.

Không ai có khả năng làm tôi vui ngoài bản thân. Tôi thích nỗi buồn, luôn tìm thấy vẻ đẹp trong trạng thái này. Tôi không phải kiểm soát cảm xúc, bởi đó là những hỷ nộ ái ố trong đời, cần cân bằng. Đôi khi, tôi cũng chủ động tìm đến nỗi buồn. Tôi từng đến hiệu sách, nhờ người bán tìm cho cuốn khiến tôi đọc xong phải khóc sướt mướt, vì lâu rồi chưa được buồn.

– Nếu bước vào cuộc sống hôn nhân, chị sẽ đặt ra những nguyên tắc gì?

– Tôi đã có 28 năm ở với bố mẹ, sống nghiêm ngặt nên không muốn đặt ra quá nhiều nguyên tắc. Dĩ nhiên trong tình yêu, tình bạn, các mối quan hệ khác, tôi cũng sẽ đặt ra những giới hạn để mình và đối phương không vượt qua. Những giới hạn ấy tôi sẽ bí mật nhé, vì tôi còn đang tuổi yêu, nói ra sẽ khiến họ sợ mà chạy mất. (Cười lớn)

Tôi cũng không đặt ra gu bạn trai, chỉ thích hơn cả là người thông minh, tài hoa. Tôi chấp nhận họ sẽ có những mặt trái. Vì điều gì cũng có giá của nó, mình sẽ phải trả thế nào thôi. Tôi thích người đàn ông có giá trị, không phải người có “trị giá”. (Cười)

– Sau nhiều năm làm nghề, chị nghĩ thành tựu lớn nhất của mình là gì?

– Tôi có lượng fan đông đảo. Dù lượng antifan cũng rầm rộ, tôi không chạnh lòng. Khán giả ghét nhân vật chứ không phải diễn viên. Tôi để cho họ phản ứng như vậy, bởi xem phim cần có cảm xúc. Tôi cũng không quan tâm đến những người không thích mình, tôi còn bận hạnh phúc mà. Về thu nhập, tôi đủ sống, hài lòng với những thứ mình có.

– Thường xuyên nhận phản ứng tiêu cực vì vào vai phản diện, chị đối diện thế nào?

– Tôi là người thế nào mới sáng tạo được những nhân vật như thế. Nếu tạo ra một người đanh đá, tôi phải có điều ấy trong người. Hoặc diễn một vai hiền lành, tôi có nội sinh thế nào mới làm được. Khán giả nói tôi đanh đá, chua ngoa, tôi nhận. Tôi cũng không nghĩ những người có tính cách này là sai. Đôi khi, họ có thể thông minh hơn người khác, biết “nảy số”, đối đáp, bảo vệ quyền lợi của mình.

Dù khán giả yêu ghét ra sao, tôi chưa bao giờ coi thường họ. Tôn trọng khán giả thì họ sẽ cư xử lại với mình như vậy, nếu không cũng là chuyện bình thường. Trong mọi mối quan hệ, phải đặt sự tôn trọng lên hàng đầu. Đây là điều tôi luôn dạy học trò của mình.

– Sau phim “Người vợ cuối cùng”, dự định của chị là gì?

– Tôi đang dành thời gian nạp năng lượng tích cực bằng cách xem phim, đọc sách, gặp gỡ bạn bè sau nhiều lần lỡ hẹn vì bận rộn. Khoảng 2-3 năm tôi mới nhận một phim truyền hình, điện ảnh. Tôi cần nghỉ ngơi để trau dồi kinh nghiệm và kiến thức mới.

Kim Oanh tốt nghiệp khóa diễn viên của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh năm 1999. Sau thời gian công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ, năm 2007, nghệ sĩ làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam đến nay. Kim Oanh ghi dấu ấn với những vai phụ mang nét đanh đá trong phim truyền hình Sóng ở đáy sông, Những ngọn nến trong đêm, Ma làng, Đừng bắt em phải quên… Cô được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2012.

Ngoài đóng phim, Kim Oanh còn thử sức với vai trò đạo diễn. Cô cũng giảng dạy cho nhiều diễn viên trẻ như Lương Thanh, Quỳnh Kool…