Cứ mỗi lần có chuyện gấp, cần phải chùi mặt thật nhanh thì NSND Phùng Há lại xuất hiện ngay sau lưng rồi nhắc Bạch Tuyết.
NSND Phùng Há được biết đến là một bậc thầy cải lương, người có nhiều đóng góp, cống hiến mang tính tiên phong với nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Bà được mệnh danh là Tổ nghề sống của cải lương.
Ngoài ra, NSND Phùng Há còn là người thầy mẫu mực của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Không chỉ dạy nghề, dạy hát, dạy diễn xuất, bà còn luôn dạy các lớp đàn em về nhân cách, đạo đức làm nghề.
Một trong những học trò xuất sắc của NSND Phùng Há là NSND – tiến sĩ Bạch Tuyết – cô đào nổi tiếng trong thế hệ vàng cải lương.
Học nhân cách, đạo làm người từ NSND Phùng Há
NSND Bạch Tuyết được đích thân NSND Phùng Há chỉ dạy từng câu hát tới diễn xuất và đặc biệt là đạo đức làm nghề. Có nhiều bài học của NSND Phùng Há khiến NSND Bạch Tuyết nhớ mãi không quên.
Được biết, NSND Bạch Tuyết hoạt động trong nghệ thuật cải lương đến nay đã hơn 60 năm, nhưng có những khoảng thời gian nghỉ hát để đi học.
Thời gian bà đi học mất khoảng 20 năm. Như vậy, tính thời gian hát trên sân khấu khoảng 40 năm.
Sở dĩ NSND Bạch Tuyết nghỉ lâu như thế chỉ để đi học vì thầy của bà là NSND Phùng Há ngày đó dạy bà rất kỹ lưỡng. NSND Phùng Há từng nói với Bạch Tuyết:
“Con ơi, người ta gọi cải lương là nghệ thuật truyền thống nhưng như thế chưa đủ. Cải lương là sự tiếp nối truyền thống, tức là cải cách hát ca theo tiến bộ, lưu truyền tuồng tích sánh văn minh. Nói cách khác, cải lương là lưu truyền nghệ thuật truyền thống dân tộc một cách văn minh, cải cách.
Con phải học để hiểu, làm việc cho đàng hoàng, không có lỗi với tổ tiên”.
Từ đó, NSND Bạch Tuyết mới đi học và nghiên cứu thật nhiều, còn du học nước ngoài để đem kiến thức có được về làm giàu thêm cho cải lương nước nhà.
Sau này, NSND Bạch Tuyết tự nhận, bà học nghề đã phải cúi đầu biết ơn nhưng còn mang nặng ơn nghĩa hơn nữa khi được học làm người từ NSND Phùng Há. Bà nói: “Học làm người từ NSND Phùng Há mới là kinh khủng khiếp”.
NSND Bạch Tuyết bắt đầu theo học NSND Phùng Há từ năm thầy bà 45 tuổi. Trong quá trình học, Bạch Tuyết chăm chú quan sát cách sống của thầy
Tới ngày mất là 99 tuổi, NSND Phùng Há chưa hề giận ai, thù ai, mở miệng nói một tiếng nặng lời với ai.
Ngay từ lúc NSND Phùng Há còn sống, Bạch Tuyết đã nói: “Má ơi, má hiển thánh giữa đời này rồi. Tụi con không biết phải làm sao để học theo được má. Đến cái bước chân của má con cũng muốn học”.
Từ những điều học được ở má Phùng Há, NSND Bạch Tuyết biết trân trọng từng con người, con vật, cây cỏ. Bà đau xót vô cùng mỗi khi một đồng nghiệp hay bất cứ ai rời khỏi thế giới này.
Học đến cả cách chùi mặt, chăm chút khuôn mặt
NSND Bạch Tuyết tự nhận rằng, ngày trẻ bà rất ham chơi, chưa thấy chuyện nổi tiếng là quan trọng, cũng chưa nhận ra được trách nhiệm của mình với khán giả ra sao.
Mỗi đêm biểu diễn, Bạch Tuyết chỉ mong hát cho xong thật nhanh rồi chạy thật mau vào hậu trường, chùi qua loa cái mặt để còn đi chơi, thậm chí là vào vũ trường nhảy đầm vì cứ 12 giờ đêm là vũ trường bắt đầu mở cửa.
NSND Phùng Há rất kỹ tính, thấy vậy mới bảo: “Con nên nhớ, cái mặt con bây giờ còn đi theo con suốt mấy chục năm nữa cùng khán giả, còn phải dùng cái mặt này lâu lắm.
Bởi vậy nên con phải biết chăm chút gương mặt mình cho cẩn thận, đừng để nó hỏng.
Cứ mỗi lần có chuyện gấp, cần phải chùi mặt thật nhanh thì NSND Phùng Há lại xuất hiện ngay sau lưng rồi nhắc Bạch Tuyết: “Con, chùi nhẹ cái mặt thôi, chùi mạnh quá nó xệ xuống rồi nâng lên không được”.
Lúc đó, Bạch Tuyết không hiểu lắm, nhưng càng lớn hơn nữa lại càng hiểu được thầy mình. Bà nói:
“NSND Phùng Há dặn tôi giữ cái mặt chính là giữ cho đời. Là người bình thường, có một khuôn mặt bình thường đã phải giữ rồi, huống hồ tôi lại là nghệ sĩ, có khuôn mặt được khán giả nhớ. Tôi đi ngoài đường rất hay bị bạn bè la rằng phải giữ mặt tử tế không mất mặt cả gia đình.
Càng như vậy, tôi càng hiểu NSND Phùng Há thầy tôi đã dạy tôi không chỉ trở thành nghệ sĩ mà còn phải có một nhân cách ở đời. Tôi phải sống sao để đền ơn đáp nghĩa cho khán giả một cách đàng hoàng nhất”.