Mới đây (ngày 20/8), chương trình Ký ức ngọt ngào đã lên sóng với sự tham gia của NSƯT Phượng Hằng và nghệ sĩ Chí Tâm.
Vừa mở màn chương trình, nghệ sĩ Phượng Hằng đã ca một đoạn vọng cổ dài hơi, khiến ai cũng nổi da gà. Hát xong, nữ nghệ sĩ tâm sự: “Kim Tử Long hay khen tôi có làn hơi dài nhưng thực ra tôi cũng từng tự ti, mắc cỡ không dám ra ngoài ăn sáng vì bị đứt hơi trong lần đầu trình diễn. Tuy nhiên, sau thời gian dài khổ luyện, tôi đã thành công. Câu hát dài hơi nhất của tôi là hơn 120 chữ”.
Sau phần trình diễn vọng cổ, tấm hình xưa của Phượng Hằng và Kim Thoa hiện lên màn hình sân khấu, nữ nghệ sĩ bồi hồi nhớ lại: “Lúc này, tôi và Kim Thoa thu bài Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ. Vì còn nhỏ nên lúc thu người ta phải kê ghế cho hai đứa tôi đứng lên. Sau đó, cứ đến Tết Thiếu nhi là ở đâu cũng phát”.
Tiếp đó, khi tấm hình của Phượng Hằng và mẹ ở hậu trường hiện lên, Kim Tử Long nói: “Phượng Hằng thật hạnh phúc khi đi hát mà có ba má đi theo, được sống chung vui buồn sướng khổ cùng với một đoàn hát. Tôi thì không được như Phượng Hằng. Tôi từng phải chạy theo micro mỗi khi trời mưa gió.
Ngày đó, mỗi khi đi diễn, tất cả nghệ sĩ chúng tôi phải chịu cảnh ăn quán ngủ đình. Chúng tôi phải trải chiếu giăng mùng mắc võng ngay dưới sàn sân khấu”
Nghe Kim Tử Long nói vậy, Phượng Hằng cũng tâm sự thêm về kỷ niệm đi diễn thời khó khăn: “Mỗi khi đi diễn, đến việc dùng nước tôi cũng phải hà tiện vì sông suối xa lắm, nước máy thì không có. Mỗi ngày, tôi chỉ được dùng một thùng nước nhưng không được dùng hết thùng vì phải để rửa mặt nữa”.
Kim Tử Long tiếp lời: “Cực khổ như vậy mà tối đến, chúng tôi hóa trang, mặc đồ vô rồi lên sân khấu trở thành ông hoàng bà chúa, thăng hoa và đẹp vô cùng”.
Ngoài những bức hình, NSƯT Phượng Hằng còn mang đến một kỷ vật quý giá với cô. Đó là huy chương diễn viên xuất sắc Trần Hữu Trang với vai bà Năm Trầu trong vở Hoa đất. Cô chia sẻ: “Đây là giải thưởng cao quý nhất trong sự nghiệp. Đến nay, tôi đã đạt được khá nhiều giải thưởng, và một niềm vinh dự lớn đối với cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi là danh hiệu nghệ sĩ ưu tú do Nhà nước phong tặng”.
Về phần mình, nghệ sĩ Chí Tâm cũng chia sẻ về giải thưởng quý giá đầu tiên mình nhận được. Anh nói: “Cuối năm 1974, tôi và chị Thanh Kim Huệ được giải Kim Khánh cho hạng mục diễn viên trẻ xuất sắc của bộ môn ca cổ. Đó là giải thưởng lớn đầu tiên của tôi”.
Tiếp đó, nam nghệ sĩ còn đặc biệt mang đến cho khán giả một số kỷ vật mình yêu quý. Đó là những cuốn bài ca tân cổ do hãng đĩa Việt Nam phát hành.
Anh tâm sự: “Tôi quý chúng vô cùng, gìn giữ mấy chục năm nay. Những bài hát này đều đã được thu âm. Lúc đó, phòng thu chia làm 3 gian, gian đầu cho nghệ sĩ ca đứng, ở giữa nhạc sĩ ngồi đàn, phòng kỹ thuật thì nằm ở phía ngoài, dù xe chạy cũng không bị ảnh hưởng.
Đàn và ca cùng một lúc, tôi chỉ cần trật nhịp hoặc ca hư thì phải làm lại từ đầu. Bài ca được soạn giả đánh máy đưa lên, cũng có khi chép tay. Trước khi thu sẽ tập trước vài lần với thầy đờn. Nói chung, ngày đó thu âm vất vả và khó khăn lắm, không như bây giờ”.