Nhạc sĩ Ngọc Chánh được biết đến là một trong những nhạc sĩ tài năng, đình đám một thời trong làng nhạc Việt. Ông từng cùng nhạc sĩ tài ba – Phạm Duy sáng tác bài hát – Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Bao Giờ Biết Tương Tư và T.uổi Biết Buồn.
Bên cạnh danh xưng nhạc sĩ, Ngọc Chánh còn được giới âm nhạc nhớ đến với tư cách là trưởng ban nhạc nổi tiếng – Shotguns; đồng thời ông còn thành lập hãng băng đĩa mang cùng tên Shotguns. Suốt sự nghiệp, ông có nhiều đóng góp quan trọng trong làng nhạc khi đã lăng xê thành công được nhiều bài hát, ca sĩ và nhạc sĩ nổi tiếng Sài Gòn trước năm 1975.
Nhạc sĩ Ngọc Chánh tên thật Nguyễn Ngọc Chánh, sinh ngày 13 tháng 3 năm 1937 tại Sài Gòn trong gia đình có tất cả 10 anh chị em. Ông mê nhạc và có năng khiếu âm nhạc từ thuở bé. Lúc lên 6 t.uổi, ông được học guitar với một người bạn lớn t.uổi hơn tên là Cổ Tấn Tịnh Châu, sau đó học thêm với một nhạc sĩ người Philippines là Monito.
Năm 1945, khi được 8 t.uổi, ông được vào trường dòng Lasan Đức Minh ở Tân Định học tập, đến năm 11 t.uổi thì chuyển sang trường Lê Văn Hai học trong 2 năm. Năm 1950, ông vào học trung học đệ nhất cấp tại Trường Kỹ Thuật Cao Thắng.
Trong khoảng thời gian học tại đây, nhạc sĩ Ngọc Chánh viết 2 cuốn sách “Tự học về guitar” rồi bán bản quyền sách cho nhà xuất bản Mỹ Tín vào năm 1953 với giá 24.500. Đây có lẽ là một trong những cuốn sách dạy về guitar sớm nhất của làng nhạc thời đó.
Được biết, Mỹ Tín khi đó sở hữu một cửa tiệm nổi tiếng – chuyên sản xuất và bán đàn guitar ở đường Võ Tánh, đồng thời có trưng một số cây đàn piano cũ. Piano vốn là niềm mơ ước của Ngọc Chánh nên ông đã xin mua một cây piano cũ với giá 22.000 đồng bằng cách đổi bản quyền sách của mình và được ông chủ trả thêm 2.500 đồng. Khi đó, Ngọc Chánh đã nói dối gia đình để theo học piano với thầy Nguyễn Văn Dung trên đường Hiền Vương.
Nhờ chơi được cả guitar và piano nên khi mới 20 t.uổi, nhạc sĩ Ngọc Chánh được nhận vào phục vụ trong Ban Văn Nghệ của Bộ Công Dân Vụ và được hoãn quân dịch. Sau đó ông ôm nhạc cụ của mình đi khắp các quán xã lớn, nhỏ trình diễn trong hai năm.
Từ năm 1960 đến năm 1966, nhạc sĩ Ngọc Chánh lần lượt được mời làm trưởng ban nhạc tại rất nhiều nơi từ nhỏ đến lớn, bắt đầu là sân khấu ca nhạc tại Hồ Tắm Cộng Hòa, sau đó là vũ trường Melody, Lai Yun, Văn Cảnh, Eden Rock, nhà hàng Mỹ Phụng…
Năm 1966, được lệnh tổng động viên, ông tham gia vào Biệt đoàn văn nghệ trung ương, sau đó là ban Hoa Tình Thương cùng với nhiều nghệ sĩ tài năng, trong đó có nhạc sĩ Khánh Băng, Nguyễn Ánh 9, ca sĩ Elvis Phương, Pat Lâm, nhạc công Duy Khiêm, trống Phùng Trọng…
Sang năm 1968, vì sự kiện Tết Mậu Thân nên toàn bộ những chương trình giải trí ở các phòng trà, vũ trường tại Sài Gòn đều bị đóng cửa – khiến giới nghệ sĩ bị thất nghiệp hàng loạt.
Nhận được lời mời, Ngọc Chánh đã ngay lập tức thành lập ban nhạc Shotguns – trong đó có các thành viên như sau – Ngọc Chánh (piano), Duy Khiêm (bass), Đức Hiếu (trống, sau đó thay bằng Lưu Bình), Hoàng Liêm (guitar) và 2 tiếng hát Pat Lâm, Elvis Phương. Được một thời gian thì bổ sung thêm giọng hát Ngọc Mỹ và Quốc Hùng đ.ánh bass, Duy Khiêm đ.ánh guitar accord…
Sang năm 1969, khi tình hình đã ổn định hơn, nhóm nhạc Shotguns, cùng nhạc sĩ Ngọc Chánh quyết định trở lại Sài Gòn để trình diễn âm nhạc. Giai đoạn này, Ngọc Chánh cũng chuyển hướng cho ban Shotguns, từ một ban nhạc chuyên hát nhạc Pop Rock, nhạc ngoại quốc, chuyển sang hát nhạc Việt trữ tình, nhẹ nhàng và lãng mạn cho người Việt nghe.
Quyết định này ban đầu không được nhiều người trong ban đồng tình. Tuy nhiên, kết quả đã cho thấy lối đi của Ngọc Chánh đã thật sự đúng khi ban nhạc nhận được rất nhiều sự ủng hộ của công chúng.
Tại phòng trà Queen Bee và Quốc Tế, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã tạo ra được một nơi sinh hoạt văn nghệ sôi động với những giọng ca nổi tiếng nhất Sài Gòn là Thái Thanh, Thanh Thúy, Elvis Phương, Khánh Ly, Lệ Thu, Mỹ Thể, Trúc Mai… và là nơi làm bệ phóng cho những giọng ca thế hệ sau đó được thành danh: Thanh Lan, Dạ Hương, Thái Châu, Nguyễn Chánh Tín…
Song song với đó, nhạc sĩ Ngọc Chánh còn tổ chức thực hiện băng nhạc Shotguns từ năm 1969 cho đến năm 1975, ra mắt hơn 30 băng nhạc Shotguns rất giá trị mà cho đến nay vẫn còn nhiều người tìm nghe.
Ngọc Chánh cũng là người tiên phong trong việc sản xuất nhạc trên băng magnetic (băng cối) giữa lúc thị trường vẫn đang ưa chuộng loại dĩa nhựa (vinyl). Chưa đầy 2 năm sau đó thì loại dĩa nhựa ở thị trường âm nhạc miền Nam bắt đầu thoái trào, nhường lại thị trường cho loại băng magnetic.
Điểm khác biệt và là thế mạnh của băng Shotguns so với các nhãn hiệu băng khác, đó là bài hát được tuyển lựa rất kỹ lưỡng. Nhiều nghệ sĩ đã nhận xét rằng nhạc sĩ Ngọc Chánh có một khả năng thẩm âm rất đặc biệt không phải ai cũng làm được!