Cuộc trò chuyện giữa ông Quảng và Dương trong tập 6 Chúng ta của 8 năm sau khiến khán giả rớt nước mắt. Có người bảo đây là đoạn thoại gây sát thương nhất.
“Thương đến đau lòng”, “Xem đoạn này tốn bao nhiêu nước mắt” – nhiều ý kiến về phim Chúng ta của 8 năm sau viết lại trên các diễn đàn phim.
Từ ghét thành thương
Bên cạnh câu chuyện tình yêu ngập tràn thanh xuân, mối quan hệ cha con giữa Dương và ông Quảng được chú ý.
Dù tìm mọi cách để nối lại mối quan hệ cha con, nhưng những gì ông Quảng nhận từ con gái mình là sự lạnh nhạt, thờ ơ. Dương cũng nhất quyết không gọi bố, mà chỉ xưng là bác…
Ở những tập đầu Chúng ta của 8 năm sau, nhiều người xem bảo Dương hỗn, cư xử không phải phép vì ông Quảng dù sao cũng là cha ruột mình.
Thế nhưng đến tập 6, hiểu những nỗi đau mà Dương phải gánh chịu thì khán giả “quay xe”, ai cũng thương và thông cảm với Dương.
Trong tập 6, đoạn thoại giữa ông Quảng và Dương ngồi trong nhà hàng dài hơn 5 phút được đánh giá là đắt giá nhất, với những câu thoại mang tính sát thương.
Ông Quảng tặng Dương món quà quý và nói: “Bố muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất”.
Dương trả lời: “Điều tốt đẹp nhất mà cháu mong muốn là một tuổi thơ có bố. Bác có trả lại cho cháu không?”.
Thông điệp gia đình trong Chúng ta của 8 năm sau
Thoát khỏi hình ảnh “ông bố quốc dân” trong Về nhà đi con, diễn viên Trung Anh vào vai người cha nhiều mưu đồ, tính toán.
Tự tin nghĩ với những món quà đắt giá như căn hộ chung cư, trang sức đắt tiền, ông Quảng nghĩ mình sẽ lấy được tình cảm của con.
Nhưng những lời Dương nói với ông như những nhát dao đâm vào tim gan. Để rồi khi Dương bỏ chạy ra ngoài, ông ngồi đó một mình, thẫn thờ, đau đớn tận cùng. Quá khứ làm nhiều điều sai trái, giờ đây ông nhận lấy hậu quả do mình gây ra.
Hoàng Hà – cô diễn viên nhỏ nhắn lần đầu chạm ngõ phim truyền hình – nhận nhiều lời khen vì diễn nhập vai: “Hoàng Hà diễn vai Dương quá xuất sắc. Đạo diễn tìm đúng người thể hiện vai Dương năng động hoạt bát và sắc sảo từ hành động và ánh mắt. Tôi cảm mến diễn viên chính diện này”.
“Tôi tâm đắc vai Dương rất có chiều sâu tâm hồn, nhí nhảnh hồn nhiên mà sâu sắc, thể hiện tốt mọi cung bậc cảm xúc”.
Một số khán giả xem xúc động còn bởi họ thấy được cảm xúc từ đời vào phim.
“Cô bé Dương cá tính… Thấy mình trong đó. Bước qua đau thương mới thấy mình đã mạnh mẽ đến nhường nào”.
Cũng có ý kiến được viết rằng: “Trong phim thì phải căng lên để cho nó kịch tính, còn ngoài đời tha thứ được thì tha thứ, bỏ qua được thì bỏ qua, càng cố chấp lòng mình càng tổn thương”.