Luật sư đã lý giải việc bị cáo Nguyễn Phương Hằng (53 tuổi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) đã chấp nhận bản án sơ thẩm, không kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng vẫn được tòa cấp phúc thẩm tuyên giảm án.
Trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng (53 tuổi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam), sau khi Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm tuyên án chiều 4.4.2024, nhiều người đặt câu hỏi vì sao bị cáo Nguyễn Phương Hằng đã chấp nhận bản án sơ thẩm, không kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng vẫn được tòa tuyên giảm án.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trương Văn Tuấn (Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết hiện nay phạm vi xét xử phúc thẩm được quy định cụ thể tại Điều 345 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, theo đó, ngoài xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị, thì Hội đồng xét xử còn có quyền xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị, nếu xét thấy cần thiết.
“Như vậy, trong giới hạn xét xử của Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM thì phù hợp với quy định pháp luật”, luật sư Trương Văn Tuấn nhận định.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại điểm e khoản 1 điều 357 bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.
Luật sư Trương Văn Tuấn cũng cho biết tại khoản 3 điều 357 bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 cũng quy định rất rõ về việc trường hợp có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 điều này cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.
Luật sư Trương Văn Tuấn (Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn luật sư TP.HCM)
NGUYỄN ANH
“Mặc dù không có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng cũng đã có một thời gian chấp hành án và đã nộp tiền án phí thì Hội đồng xét xử xem xét tính chất, mức độ, hành vi, hậu quả và nhân thân của bị cáo và quyết định giảm hình phạt tù cho bị cáo xuống 3 tháng tù giam”, luật sư Tuấn phân tích.
Cũng theo luật sư thì việc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo dù không có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm tuy không thường xuyên xảy ra nhưng xét về căn cứ pháp lý thì vẫn phù hợp với quy định của pháp luật.
rước đó, chiều 4.4.2024, TAND cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm do có đơn kháng cáo của một số bị cáo trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng. Dù không có đơn kháng cáo nhưng bị cáo Nguyễn Phương Hằng vẫn được tuyên giảm án 3 tháng tù so với bản án sơ thẩm.
Tại phiên xét xử sơ thẩm hồi tháng 9.2023, bị cáo Nguyễn Phương Hằng và 3 đồng phạm bị tòa sơ thẩm tuyên phạt cùng về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Trong đó, bị cáo Hằng chịu mức án 3 năm tù.
Theo hồ sơ vụ án, từ cuối tháng 4.2021 – 3.2022, bị cáo Nguyễn Phương Hằng thông qua 12 tài khoản mạng xã hội do bị cáo này quản lý, livestream phát ngôn trực tiếp trên mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự các cá nhân.
Các bị cáo trong vụ án đã đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định đối với 10 người trong đó một số là nghệ sĩ, ca sĩ, luật sư.