Cá nhân, hộ gia đình phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành ba nhóm tái chế, thực phẩm và khác, nếu không sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến một triệu đồng.
Theo báo VnExpress, quy định này sẽ góp phần bảo vệ môi trường, giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý.
Phân loại rác tại nguồn là một trong những chính sách môi trường có hiệu lực từ 1/1/2025, theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo đó, cá nhân, hộ gia đình phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm ba loại gồm tái chế, thực phẩm và khác. Nếu không phân loại, họ sẽ bị xử phạt 500.000 đến một triệu đồng, theo Nghị định 45/2022. Với hành vi không phân loại và lưu giữ riêng chất thải rắn công nghiệp sau phân loại, tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng.
UBND các địa phương và thanh tra ngành tài nguyên và môi trường có thẩm quyền xử phạt hành vi trên.
Theo bà Dương Thị Thanh Xuyến, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn sinh hoạt (Bộ Tài nguyên và Môi trường), phân loại rác tại nguồn sẽ giúp tăng nguyên liệu tái chế. Đây là cơ sở hình thành nền kinh tế tuần hoàn, biến chất thải thành tài nguyên, phục vụ cho sản xuất. Quy định này cũng góp phần bảo vệ môi trường, giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý, hướng tới nền kinh tế không phát thải năm 2050.
Đồ họa: Đăng Hiếu – Phùng Tiên
PGS. TS Nguyễn Thế Chinh – nguyên Viện trưởng Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng chất thải không phân loại sẽ gây thiệt hại cho kinh tế, xã hội, đồng thời tác động tiêu cực tới biến đổi khí hậu, do lượng phát thải khí metan lớn từ chất thải hữu cơ.
Thực tế, một số địa phương đã thí điểm phân loại rác tại nguồn từ sớm, nhưng còn vướng mắc. Theo bà Xuyến, thiếu hạ tầng thu gom khiến việc phân loại rác không có ý nghĩa. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa thực sự hình thành nền kinh tế tái chế, dẫn tới “việc tìm kiếm đầu ra cho chất thải rắn còn lúng túng”.
“Muốn công tác phân loại có hiệu quả, hạ tầng phải đồng bộ”, bà Xuyến nói tại một tọa đàm giữa tháng 12.
Luật Bảo vệ môi trường xác định UBND các cấp chịu trách nhiệm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, gồm quy định phân loại chất thải. Tính đến giữa tháng 12, có 58 địa phương đã ban hành quy định này, 5 địa phương đang chờ phê duyệt.
Với chính sách phân loại rác tại nguồn, các nhà tái chế cũng kỳ vọng có nguồn nguyên liệu sạch, không lẫn rác sinh hoạt, giảm tỷ lệ hao hụt với nguyên liệu đầu vào.
Rác thải sinh hoạt sẽ được phân thành các loại để tiện cho thu gom, tái chế. Ảnh:Gia Chính
Từ ngày 5/1, các cơ sở sản xuất gang, thép, xi măng, lọc hóa dầu… phải chịu phí bảo vệ môi trường với khí thải, theo Nghị định 153/2024.
Mức phí này gồm hai khoản cố định 3 triệu đồng mỗi năm và khoản biến đổi (áp với các cơ sở có lưu lượng xả thải lớn, thuộc đối tượng quan trắc). Khoản biến đổi quy theo các chất gây ô nhiễm thải ra gồm 800 đồng mỗi tấn bụi, khí NO2 và NO, 500 đồng cho một tấn CO… Mức phí này áp cho cả các cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Bên cạnh đó, từ tháng 1/2025, cơ sở sản xuất phải công khai mức tiêu thụ năng lượng của xe cơ giới (ôtô, xe máy…), theo Thông tư 55 của Bộ Giao thông Vận tải. Thông tin phải được duy trì trong suốt thời gian họ cung cấp kiểu, loại xe này ra thị trường.
Với nhựa, lộ trình giảm sản xuất, nhập khẩu túi nilon khó phân hủy bắt đầu từ 1/1/2026. Chính phủ giao UBND các địa phương quy định, quản lý chất thải nhựa, bảo đảm sau năm 2025 không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
Trong bài đăng ngày 1/1, báo Phụ nữ Việt Nam có cho biết thêm một số chi tiết xung quanh quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
Rất nhiều người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác. Ảnh minh họa
Theo đó, phân loại rác tại nguồn là một trong những chính sách môi trường có hiệu lực từ 1/1/2025, theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Trong khi đó, Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường thì cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt sẽ bị xử phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. UBND các địa phương và thanh tra ngành tài nguyên và môi trường có thẩm quyền xử phạt hành vi trên.
Cũng theo nghị định này, các chung cư, tòa nhà văn phòng không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn sẽ bị phạt từ 200 đến 250 triệu đồng. Theo Luật Bảo vệ môi trường, chậm nhất là 31/12/2024 phải áp dụng việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Ngổn ngang đủ các loại rác thải tại một bãi rác ở Bắc Giang
Thực tế Nghị định 45/2002 đã có hiệu lực từ ngày 25/8/2022 nhưng có thể thấy, đến thời điểm này, hầu như chưa có cá nhân, hộ gia đình nào bị xử phạt vị không phân loại rác tại nguồn. Một số nơi, rác được phân loại nhưng sau đó lại cho chung vào một xe gom và vận chuyển ra bãi rác. Trong khi đó,
Theo ghi nhận của PV tại ở Hà Nội, việc phân rác tại nguồn với nhiều người dân vẫn rất mơ hồ. Trong khi đó, tại các tòa chung cư hay tòa nhà văn phòng vẫn chưa bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn.
“Khu chung cư chúng tôi vẫn đổ rác vào chung vào họng rác của tòa nhà. Toàn bộ rác sau đó chảy xuống nhà chứa ở tầng hầm. Từ ngày 1/1/2025 không phân loại rác thải sẽ bị xử phạt nhưng đến thời điểm này chưa thấy tòa nhà có thông báo gì. Hơn nữa, nếu các hộ gia đình phân loại rác xong sẽ để ở đâu”, chị Nguyễn Thu Hà, khu nhà chung cư HH Linh Đàm, Q.Hoàng Mai (Hà Nội), chia sẻ.
Rác được đốt trực tiếp tại bãi rác ở Thái Bình
Liên quan đến vấn đề thu gom rác tại nhà, mới đây TƯ Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Hội LHPN thành phố Hà Nội và Unilever Việt Nam tổ chức 2 lớp tập huấn thu gom, phân loại rác xây dựng gia đình “3 sạch”.
Lớp tập huấn với sự tham gia của hơn 160 học viên là cán bộ, hội viên, phụ nữ tại xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ và xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ (Hà Nội), nhằm tăng cường vai trò của các cấp Hội trong phân loại rác. Qua đó tiếp tục lan tỏa những thông điệp ý nghĩa về phân loại rác tại nguồn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ của việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải hướng tới xây dựng gia đình “3 sạch”.