Tôi và chồng cưới nhau được 3 năm, có một bé gái hơn 1 tuổi. Con rất đáng yêu, là niềm vui duy nhất giúp tôi cố gắng trong những ngày tháng nặng nề này. Nhưng kể từ khi tôi sinh mổ bé đầu lòng, những rạn nứt trong hôn nhân càng ngày càng lộ rõ.
Lần đầu mang thai, tôi nghén nặng, cơ thể yếu, tinh thần mệt mỏi, nhưng chồng lại vô tâm. Anh mải mê với công việc, bỏ mặc tôi loay hoay tự chăm sóc mình. Đến ngày sinh, nỗi đau từ vết mổ khiến tôi như kiệt sức, nhưng điều khiến tôi đau lòng hơn cả là sự thờ ơ của chồng. Tôi mới sinh được 4 ngày, anh đã hào hứng đi nhậu cùng bạn bè. Tôi khẩn thiết nói rằng mình cần anh ở bên chăm sóc, nhưng anh chỉ đáp: “Kèo này là công việc, anh mà không đi thì khó coi lắm”. Câu nói ấy như nhát dao cắt đứt niềm tin cuối cùng trong tôi.
Câu nói của chồng như nhát dao cắt đứt niềm tin cuối cùng trong tôi. (Ảnh minh họa)
Sau khi sinh mổ, vết thương không chỉ ở cơ thể mà còn trong lòng tôi ngày một lớn. Ông bà nội yêu cháu, nhưng con gái vừa đầy tháng, họ đã giục tôi sinh thêm. “Cố đẻ 5 đứa để nhà cửa thêm đông vui”, mẹ chồng nói như thể đó là điều hiển nhiên. Chồng tôi không những không phản đối mà còn đồng tình. Tôi nhìn họ, lòng trĩu nặng. Cơ thể tôi còn chưa phục hồi, nhưng không ai quan tâm đến sức khỏe hay cảm xúc của tôi. Tôi không phải một cái máy đẻ, càng không muốn gắn bó cả đời trong một gia đình mà vai trò của tôi chỉ được đánh giá qua việc sinh con.
Tôi sinh mổ, cơ thể yếu, con nhỏ lại rất bám mẹ. Mỗi lần tôi rời khỏi giường, con gái sẽ tỉnh dậy khóc đòi mẹ. Tôi ở nhà đã lo hết cơm trưa, cơm tối và việc nhà, chỉ riêng bữa sáng ông bà tự nấu vì dậy sớm. Vậy mà chồng không những không cảm thông mà còn trách móc tôi thiếu trách nhiệm.
Tôi đề nghị ly hôn. Gia đình 2 bên và chồng đều phản đối, nói tôi quá trẻ con, chưa suy nghĩ chín chắn. Nhưng liệu họ có hiểu những tổn thương tôi đã chịu đựng?
Sau sinh mổ 6 tuần, khi đi kiểm tra sức khỏe, tôi phát hiện vết mổ bị tụ dịch và phải bước vào hành trình điều trị kéo dài. Tôi đã đánh đổi cả sức khỏe, thậm chí là đối mặt với nguy cơ tính mạng để mang con đến với thế giới này. Thế nhưng, điều tôi nhận lại là gì? Một người chồng vô tâm, chỉ biết trách móc, một gia đình lúc nào cũng đòi hỏi và áp lực và một tương lai u ám đầy những gánh nặng mà lẽ ra tôi không đáng phải gánh chịu.
Bài tâm sự được gửi từ độc giả có email: nhannguyen…@gmail.com
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng tụ dịch vết mổ sau sinh?
Tụ dịch vết mổ sau sinh là tình trạng dịch (bao gồm máu, huyết tương hoặc các chất lỏng khác) tích tụ ở khu vực xung quanh vết mổ. Đây là một biến chứng có thể xảy ra sau sinh mổ và thường xuất phát từ một số nguyên nhân chính sau:
1. Quá trình lành vết thương bị ảnh hưởng
Khâu vết mổ không đúng kỹ thuật: Nếu các lớp mô không được khâu chặt hoặc đúng cách, dịch có thể rò rỉ và tích tụ.
Lưu thông máu kém: Ở một số người, quá trình tuần hoàn máu đến vết mổ không tốt, khiến dịch không được hấp thu và dẫn đến tụ dịch.
2. Nhiễm trùng vết mổ
Nhiễm trùng là một nguyên nhân phổ biến gây tụ dịch. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào vết mổ qua dụng cụ phẫu thuật, băng gạc không đảm bảo vệ sinh hoặc quá trình chăm sóc vết mổ không đúng cách.
Khi bị nhiễm trùng, cơ thể sẽ sản sinh dịch mủ, gây tụ dịch tại vùng vết mổ.
3. Chuyển động hoặc áp lực quá mức lên vết mổ
Hoạt động sớm sau phẫu thuật: Mẹ bầu vận động mạnh, gắng sức hoặc không nghỉ ngơi đầy đủ có thể gây áp lực lên vết mổ, khiến dịch không thoát được và tích tụ.
Ho hoặc hắt hơi mạnh: Những hoạt động này có thể làm tăng áp lực vùng bụng và ảnh hưởng đến vết mổ.
Cơ địa dễ tụ dịch: Một số người có cơ địa dễ bị tụ dịch hơn do cấu trúc mô hoặc khả năng lành thương kém.
Bệnh lý nền: Các bệnh lý như tiểu đường, rối loạn đông máu hoặc suy giảm miễn dịch cũng làm tăng nguy cơ tụ dịch.
5. Dụng cụ hoặc vật liệu phẫu thuật
Phản ứng với chỉ khâu: Ở một số người, cơ thể có thể phản ứng với vật liệu chỉ khâu, gây viêm hoặc tụ dịch.
Sót dị vật: Nếu trong quá trình phẫu thuật có sơ sót, dị vật (chỉ khâu, bông gạc nhỏ) còn sót lại cũng có thể gây tụ dịch.