Kỳ tích cao tốc hơn 12.000 tỷ giữ kỷ lục Việt Nam suốt 4 năm vẫn chưa bị xô đổ, công nghệ người Việt làm chủ tạo thành công lớn
Vào 15/1/2020, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn chính thức được đưa vào vận hành, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội của khu vực các tỉnh miền núi phía bắc.
Tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn có tổng chiều dài 64 km, từ điểm đầu tại Km45+100 (giao cắt với quốc lộ 1 tại xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) đến điểm cuối tại Km109+660, kết nối với điểm cuối dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang theo hình thức BOT (thuộc TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) trong Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn. Tổng mức đầu tư của dự án là khoảng 12.188 tỷ đồng.
Tập đoàn Đèo Cả cho biết, theo kế hoạch ban đầu, dự án có tiến độ 5 năm nhưng đã bị chậm 2 năm. Tuy nhiên, sau khi Tập đoàn Đèo Cả tham gia, dự án không những bù đắp lại tiến độ bị chậm, mà còn về đích sớm hơn so với kế hoạch được Bộ GTVT phê duyệt.
Kết quả này đã phá bỏ tình trạng trì trệ của các dự án cao tốc tại Việt Nam, khi không dự án nào có thể hoàn thành trước 5 năm. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia về cầu đường, dự án Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn hoàn thành chỉ trong vòng hơn 2 năm có thể xem là một kỳ tích! Đến nay, sau 4 năm đi vào hoạt đông, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn vẫn nắm giữ kỷ lục cao tốc thi công nhanh nhất Việt Nam (hoàn thành 60 km cao tốc trong 2 năm).
Đáng chú ý, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn là dự án đầu tiên trên cả nước được nhà đầu tư đã trang bị hệ thống dây chuyền thiết bị áp dụng hệ thống công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất để phục vụ công tác giám sát thi công.
Cụ thể, hệ thống này bao gồm các thiết bị tiên tiến, hiện đại nhằm giúp nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước giám sát chặt chẽ tiến độ thi công của từng hạng mục trên công trường. Từ đó, công nghệ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí trong công tác kiểm tra dự án.
Hệ thống công nghệ này gồm một xe khách được thiết kế đặc biệt, bên trong xe gồm 3 khoang riêng biệt (trong đó, khoang 1 dành cho tài xế, khoang 2 là phòng 5 ghế và khoang thứ 3 là phòng 15 ghế với 2 ghế phụ). Các khoang trên xe được thiết kế như các phòng họp lưu động có sức chứa tối đa lên tới 25 người, đủ cho một đoàn công tác kiểm tra, giám sát tiến độ trên công trường.
Với hệ thống này, các đoàn công tác có thể khảo sát thực tế hiện trường trên xe và xem toàn bộ công trình qua flycam, kết hợp với số liệu báo cáo và hệ thống camera lắp đặt xung quanh phía ngoài xe được kết nối truyền trực tiếp về màn hình tivi lắp đặt trên xe. Theo đó, hệ thống flycam và camera giám sát giúp đoàn kiểm tra nắm bắt toàn bộ tiến độ thi công tổng thể của dự án một cách trực quan thông qua số liệu báo cáo.
Ngoài ra, chủ đầu tư Dự án Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đã mạnh dạn áp dụng các công nghệ mới vào thi công. Cụ thể, mái taluy chống sạt trượt được thi công công nghệ phun hỗn hợp đất và hạt cỏ bảo vệ bề mặt mái dốc. Các loại hạt cỏ được phun vào đất mọc xanh tốt. Đặc biệt, chủ đầu tư rất tự tin với việc áp dụng công nghệ này.
Hơn nữa, nhằm hiện đại hóa công nghệ thu phí và tạo thuận lợi cho người sử dụng, sau chỉ đạo của Bộ GTVT, yêu cầu các nhà đầu tư BOT triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng (VETC) tại các dự án thu phí đường bộ, Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn đã phối hợp cùng Công ty Cổ phần giao thông số Việt Nam (VDTC) và Công ty TNHH thu phí tự động (VETC) triển khai và lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng. Đến nay, hoạt động của hệ thống thiết bị ổn định.
Qua những hiệu quả và lợi ích trong nhiều năm qua mà Dự án Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn mang lại, thông qua công tác quản lý và vận hành, Ban lãnh đạo của Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn tin rằng, đây sẽ là một đòn bẩy để những tuyến cao tốc khác thuộc khu vực đông bắc bộ được triển khai, tạo một sợi dây liên kết, liền mạch, kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc đến Thủ đô Hà Nội, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam giao thương với nước láng giềng Trung Quốc.